Xã hội

Làng nghề dát vàng duy nhất tại Việt Nam được ghi danh kỷ lục: Tuổi đời 500 năm, chỉ truyền nghề cho người trong làng

Minh Tài 20/02/2025 20:45

Làng nghề này cũng đã vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10 năm 2023.

Du lịch Hà Nội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những danh thắng tuyệt mỹ, đắm mình trong không gian uy nghiêm của những ngôi chùa cổ kính mà còn có cơ hội khám phá các làng nghề truyền thống với lịch sử hàng trăm năm.

Những làng nghề này là minh chứng sống động cho tiến trình phát triển văn hóa dân tộc, trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ. Một trong những điểm đến nổi bật là làng nghề dát vàng bạc Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo mà còn là miền quê lưu giữ trọn vẹn tinh hoa của nghề thủ công truyền thống.

Làng Kiêu Kỵ phát huy “nghề quý” trong cuộc sống hiện đại

Nghề làm vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Theo thông tin trên Báo Dân Trí, người dân làng Kiêu Kỵ luôn khắc ghi công ơn của tổ nghề Nguyễn Quý Trị – người đã có công khai sáng nghề quỳ vàng bạc cho quê hương. Ông đỗ tiến sĩ dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) và từng giữ chức Tả Thị Lang.

Trong một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Quý Trị đã tận mắt chứng kiến nghề đập dát vàng bạc – kỹ thuật được sử dụng để sơn son thếp vàng trên câu đối, hoành phi, tượng thờ. Nhận thấy giá trị nghệ thuật và tiềm năng của nghề này, ông đã quyết tâm học hỏi với mong muốn mang về truyền dạy cho dân làng Kiêu Kỵ.

Nghĩ là làm, với quyết tâm và sự kiên trì, ông Nguyễn Quý Trị đã học thành công nghề dát vàng bạc. Khi trở về nước, ông không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu tri thức mà còn nghiên cứu, cải tiến rồi truyền dạy nghề cho người dân làng Kiêu Kỵ, với mong muốn giúp họ có thêm sinh kế, ổn định cuộc sống.

Tương truyền, sau khi hoàn thành tâm nguyện truyền nghề, vào ngày 17/8 (âm lịch), ông lặng lẽ rời làng ra đi và từ đó không ai biết rõ tung tích. Để ghi nhớ công ơn to lớn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là ông Tổ nghề quỳ vàng bạc. Ngày ông ra đi được chọn làm ngày giỗ tổ nghề – một dịp lễ quan trọng được tổ chức trang trọng hằng năm.

Theo Báo Pháp Luật, điểm độc nhất vô nhị của làng nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ nằm ở quy tắc truyền nghề đặc biệt: ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền dạy cho người trong làng, không truyền ra ngoài. Chính nhờ nguyên tắc này mà suốt bao thế kỷ qua, Kiêu Kỵ vẫn là làng nghề duy nhất ở Việt Nam giữ được bí quyết sản xuất quỳ vàng bạc.

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp.

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp. (Ảnh: Báo Pháp Luật)

Theo thông tin trên kyluc.vn, với tuổi đời gần 500 năm, ngày nay làng nghề Kiêu Kỵ vẫn giữ được nét truyền thống với khoảng 50 gia đình chuyên kinh doanh và sản xuất vàng quỳ. Quá trình làm ra những tấm quỳ vàng đòi hỏi sự tỉ mỉ và tay nghề cao. Những thỏi vàng nguyên chất 24k hoặc bạc trắng được các nghệ nhân khéo léo đập dẹt, kéo dài rồi cắt thành các miếng vuông nhỏ, mỗi miếng chỉ khoảng 1cm². Sau đó, chúng được đặt cẩn thận vào lá quỳ – một loại giấy đặc biệt giúp bảo vệ và hỗ trợ cho công đoạn dát mỏng tiếp theo.

Theo lời kể của các cụ cao niên ở làng Kiêu Kỵ, khâu làm giấy quỳ – loại giấy dùng để bọc và hỗ trợ quá trình dát vàng mang tính chất quyết định đến chất lượng thành phẩm. Có thời điểm, làng nghề từng đứng trước nguy cơ mai một vì không tìm được loại giấy thay thế phù hợp. Câu truyền miệng "Giấy giống là sự sống" vẫn vang vọng trong làng như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng sống còn của công đoạn này.

Làng Kiêu Kỵ phát huy “nghề quý” trong cuộc sống hiện đại

Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ cao (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Được biết, để dát được một lá vàng mỏng dùng thếp lên các bức tượng, hoành phi hay câu đối, người thợ phải trải qua 40 công đoạn tỉ mỉ và công phu. Ngày nay, nhờ sự cải tiến và tối giản trong quy trình, số công đoạn đã được rút gọn còn 20 bước, giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao.

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. (Ảnh: Báo Pháp Luật)

Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, những năm gần đây, người dân làng Kiêu Kỵ đã tìm ra hướng đi mới, linh hoạt và hiệu quả. Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm truyền thống, họ đã kết hợp kỹ thuật dát vàng với sản phẩm từ những làng nghề nổi tiếng khác.

Với nét độc đáo hiếm có, nghề quỳ vàng ở làng Kiêu Kỵ hiện là làng nghề dát vàng duy nhất tại Việt Nam, được ghi danh Kỷ lục Việt Nam vào năm 2010. Đồng thời được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 10 năm 2023. Đây không chỉ là niềm tự hào to lớn mà còn là động lực thôi thúc người dân nơi đây nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương.

Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, nhu cầu về các vật phẩm văn hóa, sản phẩm thủ công tinh xảo ngày càng gia tăng. Người dân Kiêu Kỵ vững tin rằng, với giá trị nghệ thuật đặc sắc và bề dày lịch sử, "nghề quý" của làng sẽ mãi trường tồn và không ngừng phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ làng nghề Việt Nam.

>> Việt Nam chính thức có 2 đại diện được công nhận là làng nghề thủ công thế giới

Cận cảnh làng nghề La Phù 'ngập' trong bánh kẹo bỏ đi sau Tết Nguyên đán

Làng nghề Nghệ An với sản phẩm chôn dưới cát độc đáo chạm mốc triệu đô

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/lang-nghe-dat-vang-duy-nhat-tai-viet-nam-duoc-ghi-danh-ky-luc-tuoi-doi-500-nam-chi-truyen-nghe-cho-nguoi-trong-lang-137137.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Làng nghề dát vàng duy nhất tại Việt Nam được ghi danh kỷ lục: Tuổi đời 500 năm, chỉ truyền nghề cho người trong làng
    POWERED BY ONECMS & INTECH