Lãnh đạo Coteccons (CTD) nói gì về khoản nợ xấu gần 2.243 tỷ đồng của công ty?
Thời gian qua, nợ khó đòi đã trở thành nỗi lo chung của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng".
Trong buổi đối thoại chiều 18/9, một số cổ đông đã đặt câu hỏi về tình hình nợ xấu  và việc trích lập dự phòng của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD ).
Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bolat Duisenov , khẳng định rằng nguyên tắc của Coteccons là khi xác định khoản nợ khó thu hồi, công ty chắc chắn sẽ trích lập dự phòng. Tuy nhiên nhìn chung, vấn đề nợ xấu không ảnh hưởng lớn nếu so với sức khỏe tài chính của Coteccons.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2024 (tương ứng với quý II theo thực tế), Coteccons ghi nhận tổng nợ xấu gần 2.243 tỷ đồng, tăng khoảng 669 tỷ. Phần lớn khoản nợ này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh ), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư siêu dự án đối diện chợ Bến Thành), và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers).
Hiện tại, Coteccons đã trích lập dự phòng hơn 60% cho các khoản nợ xấu kể trên. Nếu tính cả các khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, công ty đang trích lập hơn 1.432 tỷ đồng, tăng khoảng 275 tỷ so với niên độ trước.
Ông Bolat cho biết, nợ xấu là "bệnh đau đầu" chung của toàn ngành xây dựng trong thời gian qua. Dẫu vậy, Coteccons có quy trình nội bộ để xử lý khi sở hữu những bộ phận chuyên trách quản lý và phân tích rủi ro, quản lý nợ xấu, quản lý các nguồn vốn ra - vào công ty, có kiểm toán độc lập thuộc "Big 4" và có bên thứ ba chuyên rà soát và đánh giá. Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định họ có quy trình chỉn chu cho vấn đề nợ xấu, đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển bền vững thay vì cái lợi trước mắt.
Ông Bolat nhấn mạnh: "Trích lập dự phòng không phải là điều tệ hại hay quá tiêu cực, không có nghĩa là khoản đó sẽ đi vào quên lãng và không đòi được, mà công ty sẽ có đội ngũ chuyên trách theo dõi sát sao, hối thúc chủ đầu tư thanh toán. Cá nhân tôi tự tin Coteccons sẽ sớm nhận lại phần lớn số tiền trên".
Hình ảnh buổi đối thoại chiều 18/9 của Coteccons |
>> Xây dựng ‘thành trì’ trên đất khách, Coteccons (CTD) chỉ mang về 1% doanh thu 
Giám đốc điều hành Trần Ngọc Hải bổ sung thêm rằng, Coteccons tự tin sớm thu hồi khi chủ đầu tư và thị trường khôi phục trở lại. Trước mắt, ông tiết lộ kế hoạch trích lập dự phòng nợ xấu cho năm tài chính 2025 sẽ nhỏ hơn nhiều so với trước đó.
Không chỉ ngân hàng mới đối diện nợ xấu, các doanh nghiệp cũng phát sinh các khoản phải thu từ đối tác hay khách hàng trong kinh doanh. Đây là khoản nợ doanh nghiệp cho nhau vay, còn gọi là tín dụng thương mại. Nhưng thay vì tiền mặt, họ vay hàng hóa hoặc dịch vụ và thường không chịu lãi suất.
Thời gian qua, nợ khó đòi đã trở thành nỗi lo chung của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng". Điều này dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản và chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng rằng khi thị trường bất động sản ấm dần lên và đầu tư công được thúc đẩy, họ sẽ có cơ hội thu hồi các khoản nợ này.
Xây dựng ‘thành trì’ trên đất khách, Coteccons (CTD) chỉ mang về 1% doanh thu 
Cổ đông bức xúc vì cổ phiếu 'lao dốc', Chủ tịch Coteccons (CTD) lên tiếng