Lãnh đạo GP.Invest chỉ ra loạt khó khăn mà doanh nghiệp BĐS đối diện khi đầu tư các dự án
Việc các doanh nghiệp BĐS gặp không ít khó khăn và thách thức khi đầu tư vào các dự án đang là thực trạng phổ biến hiện nay.
Tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật Việt Nam" năm 2024 tổ chức vào sáng 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest đã nêu lên hàng loạt khó khăn lớn mà doanh nghiệp bất động sản gặp phải khi đầu tư dự án.
GPMB là gánh nặng, thủ tục hành chính nhiều giai đoạn, thủ tục điều chỉnh quy hoạch phức tạp
Theo đó, liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ rằng pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục trong 60 ngày, gặp các bên liên quan 3 lần trước khi được đối thoại về thu hồi đất.
"Dự án của chúng tôi thậm chí phải trải qua 177 bước, kéo dài đến 360 ngày mới đủ điều kiện để đối thoại và cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Điều này cho thấy, giải phóng mặt bằng đang trở thành gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp bất động sản", ông Hiệp cho biết và dẫn chứng thêm rằng ở một dự án khác, quá trình này đã kéo dài tới 14 năm.
Về thủ tục hành chính, Chủ tịch GP.Invest chia sẻ rằng một dự án bất động sản thông thường cần tới 38 – 40 con dấu, bởi quy trình đầu tư bao gồm nhiều bước và mỗi bước đều đòi hỏi nhiều loại con dấu khác nhau.
Ông Hiệp lấy ví dụ, để được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ lên Văn phòng UBND tỉnh, thành phố, sau đó văn phòng lại gửi các sở, ban, ngành liên quan. Mỗi giai đoạn như vậy đều phát sinh nhiều con dấu. Quy trình lập quy hoạch có thể cần 3 – 5 con dấu, định giá cũng tương tự… Tất cả những bước này cộng lại khiến thời gian thực hiện kéo dài.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng nhấn mạnh rằng thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án quá phức tạp. Gần như mọi dự án bất động sản đều cần phải điều chỉnh quy hoạch trong quá trình thực hiện, nhưng mỗi lần điều chỉnh đều phải xin ý kiến của nhiều bên liên quan, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư, gây mất thời gian và công sức.
"Ví dụ, chỉ cần dự án của chúng tôi điều chỉnh nhỏ như dịch chuyển một con đường tránh ống cống cũng phải xin điều chỉnh quy hoạch và điều này phải được cấp cao nhất của địa phương phê duyệt. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn về thủ tục đầu tư tại Việt Nam. Họ không dám tự thực hiện mà phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước để nhờ làm giúp", ông Hiệp chia sẻ.
Lãnh đạo GP.Invest cũng cho rằng những vướng mắc này xuất phát từ việc lĩnh vực bất động sản chịu sự chi phối của 15 đạo luật khác nhau, mỗi đạo luật do một bộ ngành xây dựng dẫn đến sự chồng chéo và mâu thuẫn.
Mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã có những sửa đổi để giảm bớt sự thiếu đồng bộ giữa các luật, nhưng ông Hiệp cho rằng nhiều ý kiến từ doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ.
>> Đất nền 'thoát đáy', nhà đầu tư tranh thủ đi 'săn' cùng môi giới cả đêm 
Việc giám sát, xử lý trách nhiệm thuộc về địa phương
Về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giải thích rằng các dự án bất động sản là những dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau. Bộ Xây dựng khi tổng kết Luật Nhà ở 2014, đã nhận thấy rằng quy trình thủ tục thực hiện dự án nhà ở tại mỗi địa phương không giống nhau.
"Cùng một chủ đầu tư, nhưng làm dự án ở địa phương này thì theo một quy trình, còn ở địa phương khác lại theo quy trình khác, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động chuẩn bị và triển khai dự án", ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Nhà ở 2023, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về quy trình thực hiện dự án, đồng thời đưa ra hướng dẫn rõ ràng.
Về yêu cầu cần có chế tài kiểm tra việc thực hiện thủ tục, ông Hưng cho biết tất cả các thủ tục đều có quy định về thời hạn và nếu vượt quá thời hạn, cơ quan chủ trì sẽ phải giải trình.
"Hiện nay, mọi thủ tục đã được phân cấp, giao quyền cho địa phương thực hiện. Do đó, việc giám sát và xử lý trách nhiệm tuân thủ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương", đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 do Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương - chủ trì, đã thu hút sự tham dự của khoảng 450 đại biểu. Sự kiện diễn ra trực tuyến và kết nối với 63 địa phương, với sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại các địa phương.
Diễn đàn là sự kiện ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024).
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam có sự thay đổi lớn với 2 dự án giao thông tại khu vực trung tâm 
Ngôi làng cổ có 17 căn nhà đất độc đáo, nép mình dưới chân núi ở Bắc Giang