Tỉnh giáp biên có 16 cửa khẩu ‘xóa sổ’ sân vận động gần 20 năm tuổi, quy mô 16.000 chỗ ngồi
Mặc dù quyết định thu hồi sân vận động đã được thông qua nhưng việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động bóng đá tại địa phương.
Kể từ năm 2021, CLB Tây Ninh đã chính thức rút khỏi giải hạng Nhất quốc gia. Điều này đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của đội bóng, đồng thời đặt dấu chấm hết cho lịch sử của sân vận động  tỉnh Tây Ninh, sân nhà của đội bóng. Sân vận động này hiện đang trong quá trình tháo dỡ và chuyển đổi công năng sử dụng, chấm dứt vai trò là một trong những sân vận động lớn ở khu vực Đông Nam Bộ.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, sân vận động tỉnh Tây Ninh đã được đưa ra đấu giá và một đơn vị đã trúng thầu vật tư thu hồi, bao gồm các hạng mục như khán đài, cổng rào, nhà bán vé. Việc tháo dỡ hiện đang được tiến hành.
Sân vận động tỉnh Tây Ninh được khánh thành vào năm 2005, với sức chứa hơn 16.000 người và nằm ngay cạnh công viên Xuân Hồng.
Nơi đây từng là địa điểm tổ chức các trận đấu đáng chú ý, bao gồm trận giao hữu giữa đội U23 Việt Nam và câu lạc bộ (CLB) Fico Tây Ninh vào năm 2013. Ngoài ra, sân vận động này cũng thường xuyên là nơi đăng cai các giải bóng đá trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức.
Tuy nhiên, kể từ khi CLB Tây Ninh không còn tham gia hệ thống bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2021, sân vận động rơi vào cảnh vắng lặng và xuống cấp nhanh chóng. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã quyết định chuyển đổi công năng của sân thành không gian mở phục vụ cộng đồng.
>> Sẽ có thêm 5 tuyến đường sắt đô thị gần 20 tỷ USD tại Hà Nội? 
Trở lại năm 2021, lý do chính khiến CLB Tây Ninh phải rút lui khỏi giải hạng Nhất quốc gia là do không đủ kinh phí duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc CTCP Bóng đá Tây Ninh, từng chia sẻ rằng CLB chỉ có 10 tỷ đồng, trong khi điều lệ giải yêu cầu mỗi đội bóng phải có tối thiểu 15 tỷ đồng mỗi mùa. Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà tài trợ của CLB, khiến đội bóng gặp khó khăn về tài chính và buộc phải rời giải.
Mặc dù quyết định thu hồi sân vận động  đã được thông qua, một quan chức thể thao tỉnh Tây Ninh cho biết việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động bóng đá tại địa phương.
Tỉnh vẫn có các sân cỏ nhân tạo và sân cỏ tự nhiên tại trung tâm, đủ để đội bóng Tây Ninh tiếp tục tập luyện. Tuy nhiên, với người hâm mộ bóng đá tại đây, sự ra đi của CLB và việc "xóa sổ" sân vận động Tây Ninh là một nỗi buồn lớn.
Tây Ninh, một tỉnh nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có vai trò quan trọng về kinh tế và giao thương khi là cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Với đường biên giới dài 240km tiếp giáp Campuchia, Tây Ninh có 16 cửa khẩu, bao gồm 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Ka Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ. Tuyến biên giới này còn có nhiều đường ngang, lối mở khác, đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối và giao thương giữa Việt Nam và Campuchia.