Gần 2.500 tỷ đồng tài sản theo vốn hóa của hơn 64.700 nhà đầu tư đã kẹt lại tại cổ phiếu Tập đoàn FLC suốt 18 tháng qua. Quãng thời gian bị "chôn vốn" thậm chí có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa.
CTCP Tập đoàn FLC  công bố Nghị quyết ĐHCĐ bất thường thông qua một số vấn đề quan trọng liên quan đến chuyển trụ sở và thay đổi nhân sự cấp cao.
Đáng chú ý, tại Đại hội hồi nửa cuối tháng 2 vừa qua, liên quan đến cổ phiếu FLC, cổ đông chất vấn: "Hiện nay, cổ phiếu FLC vẫn bị đình chỉ giao dịch và trong diện cảnh báo trên sàn UPCoM, tại sao tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm? Ban lãnh đạo có lộ trình thế nào để đưa cổ phiếu giao dịch trở lại?"
Trả lời, đại diện Tập đoàn cho biết: "Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin các báo cáo tài chính kiểm toán. Sau sự kiện khởi tố các lãnh đạo từ đầu năm 2022 đến nay, việc kiểm toán của Tập đoàn FLC bị đình trệ, doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm toán. Đến nay, phía FLC đã tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp là Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán UHY.
Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan đến thất lạc hồ sơ, tài liệu, chuyển trụ sở văn phòng, liên hệ nhân sự cũ làm rõ và một số lý do khách quan khác nên đến nay một số nội dung tại báo cáo tài chính năm 2021 vẫn chưa được công ty kiểm toán xác định, làm rõ.
Theo đó, Tập đoàn chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 đồng thời cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm 2022, 2023. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc công ty chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHCĐ thường niên các năm 2022 và 2023.
Để cổ phiếu FLC sớm quay trở lại giao dịch, Tập đoàn FLC vẫn đang nỗ lực phối hợp với đơn vị kiểm toán UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, làm cơ sở triệu tập ĐHCĐ thường niên 2022. Sau khi tổ chức thành công, FLC sẽ tiến hành các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất, từ đó hoàn thiện hồ sơ đưa cổ phiếu FLC giao dịch trở lại trên sàn UPCoM.
Được biết, liên quan đến các vi phạm về công bố thông tin, 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 9/9/2022 (trước đó đang trong diện hạn chế giao dịch).
Tại thời điểm bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu FLC đã giảm hơn 80% so với giá đầu tháng 1/2022 |
Nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tới ngày 20/2/2023, toàn bộ số cổ phiếu này đã bị hủy niêm yết trên sàn HoSE. Đến cuối tháng 6 cùng năm, toàn bộ cổ phiếu nhóm FLC đã bị hủy niêm yết trên cả 2 sàn HoSE và UPCoM, đồng thời chưa mã nào được giao dịch trở lại sau hủy niêm yết.
Sau hơn 45 ngày bị hủy niêm yết bắt buộc, hơn 710 triệu cổ phiếu FLC được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 26/5/2023. Tuy nhiên, mã sau đó nhận thông báo đình chỉ giao dịch từ HNX.
Quyết định này mang đến tác động không nhỏ bởi FLC với tư cách là cổ phiếu tâm điểm nhóm penny nhiều năm qua ghi nhận hơn 64.700 cổ đông. Tại thời điểm cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trên HoSE, mã FLC có giá 3.500 đồng/cp, giá trị nắm giữ theo vốn hóa của số cổ đông nói trên lên tới gần 2.500 tỷ đồng. Con số này đã "mắc kẹt" tại đây suốt 18 tháng qua.
>> FLC miễn nhiệm 4 lãnh đạo cao cấp, Chủ tịch Bamboo Airways rời ghế nóng sau 7 tháng nộp đơn 
FLC tiếp tục khất trả nợ gốc và lãi lô trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng 
Cảnh hoang tàn, sắt thép hoen rỉ trong siêu dự án của FLC Quảng Bình