Xã hội

Lãnh đạo trường Khương Hạ nói gì về sai phạm trong thu tiền học thêm?

Vân Nhi 06/11/2024 - 08:21

Kinhtedothi – Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai phạm trong công tác thu tiền học thêm và khai thác tài sản tại trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ.

Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ. Tại buổi làm việc, cô Nguyễn Phương Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những vấn đề mà Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ ra trong quá trình kiểm tra tại trường là đúng. Song, những vi phạm trên xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Cụ thể, theo cô Nguyễn Phương Liên, do hiểu rõ học lực và trình độ của con em, các phụ huynh học sinh của nhà trường có nguyện vọng cho con em được học thêm, đặc biệt là học thêm tại trường. Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, nhà trường tổ chức việc dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc và có hình thức miễn và giảm cho học sinh gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ.
Trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Phương Liên, đối với mức thu tiền học thêm của nhà trường, trong năm học 2023 - 2024, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường và phụ huynh học sinh đã thống nhất thu với mức 17.500 đồng/1 tiết học với khối THPT, và 20.000 đồng/1 tiết học đối với khối THCS. Mức thu này bao gồm mức thu theo quy định của UBND thành phố và phần tự nguyện ủng hộ của các phụ huynh học sinh.

“Phụ huynh học sinh đồng lòng và nhất trí rất cao việc tự nguyện ủng hộ nhà trường ngoài mức thu theo quy định của UBND thành phố Hà Nội vì thực tế học sinh đi học thêm ở bên ngoài phải từ 150.000 – 300.000 đồng/1 ca học (khoảng 2 giờ). Việc học thêm tại trường đã giúp phụ huynh giảm tải thời gian bố trí cho con ăn uống, đưa đón con đi học” – cô Nguyễn Phương Liên cho biết.

Đề cập đến việc thu tiền học thêm cao hơn so với quy định, cô giáo Nguyễn Phương Liên cho biết, hiện nay, mức thu tiền học thêm đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được áp dụng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 25/6/2013. Song, quyết định trên hiện đã không còn phù hợp với các quy định về tiền lương hiện hành, gây cản trở đến việc thu hút giáo viên có chất lượng thực hiện giảng dạy tại nhà trường.

Một góc trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ.
Một góc trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ.

Cụ thể, mức thu theo Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND mức thu tiền học thêm với lớp có từ 40 học sinh trở lên là 6.000 đồng/học sinh/tiết đối với khối THCS, 7.000 đồng đối với khối THPT; Đối lớp lớp có từ 30 đến dưới 40 học sinh, mức thu tiền học thêm lần lượt là 7.000 đồng/học sinh/tiết đối với khối THCS và 8.000 đồng đối với khối THPT; Đối với lớp có từ 20 đến dưới 30 học sinh mức thu tối đa là 9.000 đồng/học sinh/tiết đối với khối THCS và 10.000 đồng/học sinh/tiết đối với khối THPT…

“Mức thu này được ban hành và áp dụng từ thời điểm tháng 6/2013 tương ứng với mức lương cơ sở là 1.050.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay mức lương cơ sở đã qua 7 lần điều chỉnh - mức lương cơ sở hiện tại 2.340.000 đồng, tăng gần 2,3 lần so với năm 2013. Do vậy, các phụ huynh học sinh và nhà trường đã thống nhất mức thu học thêm là 17.500 đồng/tiết với khối THPT, và 20.000 đồng/tiết đối với khối THCS” – cô giáo Nguyễn Phương Liên nhấn mạnh.

Đề cập đến nội dung quản lý và khai thác tài sản của nhà trường sai quy định, Hiệu trưởng trường Khương Hạ Nguyễn Phương Liên cho biết, trường TH, THCS, THPT Khương Hạ được thành lập theo Quyết định số 2296/QĐ-UBND ngày 25/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội. Trường được tiếp nhận cơ sở vật chất từ trường Trung cấp nhà trẻ, mẫu giáo Hà Nội tại số 31 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân - cơ sở đã được xây dựng từ những năm 1980 và đã xuống cấp.

Cán bộ, nhân viên trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ dọn dẹp trường học tại thời điểm mới tiếp nhận cơ sở.
Cán bộ, nhân viên trường Tiểu học, THCS, THPT Khương Hạ dọn dẹp trường học tại thời điểm mới tiếp nhận cơ sở.

Theo cô giáo Nguyễn Phương Liên, trường bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2021 - thời điểm Hà Nội đang phong toả phòng chống dịch Covid-19 với hiện trạng là một khu vực bỏ hoang, sân trường ngập rác thải từ quá trình sử dụng trước đây, gạch đá, chai lọ, cây cối chết khô… hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo việc dạy và học an toàn. Trước thực trạng trên, việc hợp tác với doanh nghiệp là cứu cánh cho nhà trường trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, cơ sở vật chất của nhà trường nghèo nàn và xuống cấp, ngân sách được cấp hạn chế và không kịp thời.

“Cơ sở vật chất sử dụng trong hoạt động hợp tác là nhà ký túc xá không đủ điều kiện để làm phòng học. Nếu khu ký túc xá này tiếp tục bị bỏ hoang sẽ tạo ra một môi trường sinh sống cho động vật và côn trùng gây hại, gây ra nguy cơ rất cao đối với an toàn cho sức khỏe và tính mạng của học sinh” – cô giáo Nguyễn Phương Liên cho biết.

Cũng theo Hiệu trưởng trường Khương Hạ Nguyễn Phương Liên, ngay sau khi nhận được kết quả kiểm tra của Sở GD&ĐT, Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị có liên quan đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương triển khai các biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Sở GD&ĐT chỉ ra với phương châm tất cả vì học sinh.

>>'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Bố mẹ chi 2,4 tỷ tiền học thêm để con đỗ đại học, liệu có xứng đáng?

‘Chạy đua’ học thêm tiếng Anh, trẻ tiểu học cũng luyện thi IELTS

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/lanh-dao-truong-khuong-ha-noi-gi-ve-sai-pham-trong-thu-tien-hoc-them.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lãnh đạo trường Khương Hạ nói gì về sai phạm trong thu tiền học thêm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH