Xã hội

Lao động tự do có được đóng BHXH tự nguyện một lần 15 năm để nhận lương hưu?

Vũ Điệp 22/02/2025 07:40

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, người tham gia BHXH tự nguyện được đóng một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7 quy định, người lao động đến tuổi nghỉ hưu đã tham gia BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; người tham gia BHXH tự nguyện khi tham gia đủ 15 năm cũng sẽ được hưởng lương hưu.

Việc Luật BHXH mới quy định giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu không chỉ tạo điều kiện hưởng lương hưu cho người đóng BHXH bắt buộc mà còn cho cả người tham gia BHXH tự nguyện.

Đóng BHXH tự nguyện một lần cho 15 năm?

Đặc biệt, Luật BHXH 2024 quy định người tham gia BHXH tự nguyện được đóng một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian đóng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Quy định trên là tin vui cho người lao động, nhất là những người cao tuổi chưa tham gia BHXH khi sắp đến tuổi nghỉ hưu có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

ảnh BHXH.jpg
BHXH tự nguyện giúp người lao động tự do có cơ hội hưởng lương hưu khi về già.
Ảnh minh họa: BHXH

Ông Vũ Văn Lư (59 tuổi, ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ, qua tìm hiểu ông được biết từ 1/7 tới, khi Luật BHXH mới có hiệu lực, số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu giảm xuống còn 15 năm; người tham gia BHXH tự nguyện được đóng một lần cho nhiều năm về sau để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Từ đó, ông Lư dự định sẽ tham gia BHXH tự nguyện, đóng ''một cục'' 15 năm để khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng.

Về vấn đề trên, BHXH Việt Nam cho biết, Luật BHXH 2024 quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia đóng BHXH đủ 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tại khoản 2, Điều 36, Luật BHXH 2024 quy định người tham gia BHXH tự nguyện được đóng một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, tại Điều 36 cũng nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết nội dung trên để thực hiện.

Do thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để thực hiện.

Theo BHXH Việt Nam, căn cứ quy định hiện hành tại Nghị định 134/2015 của Chính phủ, người tham gia được chọn linh hoạt các phương thức đóng sau: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, với trường hợp của ông Lư, cần phải chờ khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể. Tại thời điểm này, ông Lư có thể lựa chọn các phương thức đóng theo Nghị định 134 như trên.

Khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện có ý nghĩa thiết thực với người lao động tự do vì ai cũng muốn về già được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, hiện nay mức đóng vẫn cao so với những người có thu nhập thấp nên rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm.

Theo quy định hiện nay, Nhà nước hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các trường hợp khác.

Để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nghị định quy định điều chỉnh tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ này đưa ra 2 phương án tăng tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.

Phương án 1, Nhà nước hỗ trợ 50% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% đối với hộ cận nghèo, 30% đối với người tham gia BHXH thuộc dân tộc thiểu số, 20% đối với các đối tượng khác.

Phương án 2, Nhà nước hỗ trợ 30% với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo, 20% với người dân tộc thiểu số và 10% đối với các đối tượng khác.

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhóm hộ nghèo, cận nghèo là yếu thế của xã hội, thực sự khó khăn, cần được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội.

Một chuyên gia lao động cho rằng, việc lựa chọn phương án có mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành sẽ có tác động thu hút người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới. Việc Nhà nước tăng mức hỗ trợ để người nghèo có thể tham gia BHXH tự nguyện, đến khi về già có lương hưu sẽ góp phần giảm gánh nặng an sinh xã hội sau này.

>> Từ 1/7/2025, người 45 tuổi mới tham gia BHXH vẫn có lương hưu khi về già

Tin vui cho người lao động, 45 tuổi bắt đầu tham gia BHXH vẫn có lương hưu

Năm 2025 thêm quyền lợi mới cho người tham gia BHXH tự nguyện

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lao-dong-tu-do-co-duoc-dong-bhxh-tu-nguyen-mot-lan-15-nam-de-nhan-luong-huu-2373584.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lao động tự do có được đóng BHXH tự nguyện một lần 15 năm để nhận lương hưu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH