Lập 187 doanh nghiệp, hơn 600 tài khoản ngân hàng để 'rửa' 30.000 tỷ đồng: Có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng
Các tài khoản này được sử dụng để luân chuyển, hợp thức hóa dòng tiền có nguồn gốc phạm tội (lừa đảo, đánh bạc…) từ nước ngoài về Việt Nam.
Ngày 22/1, Công an TP. Đà Nẵng vừa triệt xóa đường dây tội phạm rửa tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2022 đến năm 2024, T.Q.T. (36 tuổi, trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã làm giả căn cước công dân để thành lập 187 doanh nghiệp. T. cũng làm giả nhiều con dấu của các ngân hàng, cơ quan Nhà nước và tổ chức công chứng để chứng thực căn cước công dân giả, giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp được thành lập.
Từ các doanh nghiệp giả mạo, T. đã đăng ký mở hơn 600 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp rồi bán lại cho các đối tượng khác. Các tài khoản này được sử dụng để luân chuyển, hợp thức hóa dòng tiền có nguồn gốc phạm tội (lừa đảo, đánh bạc…) từ nước ngoài về Việt Nam để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Lực lượng chức năng xác định, tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng là gần 30.000 tỷ đồng (trong đó các giao dịch ngoại hối ước tính hơn 300 tỷ đồng).
Một số đối tượng trong đường dây và tang vật có liên quan. Ảnh: Công an Nhân dân |
Đường dây của T.Q.T. có sự hỗ trợ của nhiều đối tượng tại Đà Nẵng. Trong đó, N.T. (29 tuổi) là nhân viên một ngân hàng có chi nhánh tại Đà Nẵng, đã câu kết với T.Q.T mở nhiều tài khoản ngân hàng và bán lại cho các đối tượng để thực hiện giao dịch chuyển tiền. Đồng thời, đối tượng còn cung cấp thông tin tài khoản để T.Q.T rút số tiền 900 triệu đồng có nguồn tiền bất hợp pháp.
Trong đường dây này, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 bị can về tội “Rửa tiền”, “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” và “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng, thu giữ 122 con dấu giả, 40 bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 5 máy in, 1 bàn cắt giấy, 1 máy khắc dấu công nghệ đổ keo, 1 máy khắc dấu hộp gỗ, 1 bộ linh kiện máy khắc dấu laser, 1 máy ép plastic và nhiều công cụ, phương tiện phục vụ hoạt động làm giả tài liệu.
Công an TP. Đà Nẵng đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan và thu hồi tối đa tài sản bị lừa đảo để trả lại cho các bị hại.
Một thủ đoạn lừa đảo khiến nạn nhân vừa mất tiền vừa chịu cảnh ‘đứng trước vành móng ngựa’ 
Ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo hoàn toàn mới ‘nở rộ’ dịp cận Tết