Doanh nghiệp rất cần vốn để khôi phục sản xuất sau những biến cố năm 2022. Tuy nhiên các hoạt động phát hành trái phiếu từ đầu năm 2023 đến nay vẫn rất nhỏ giọt. Trong khi đó, Nghị định 08 vẫn cần thêm thời gian để thấm thấu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ nút thắt trong thời gian gần đây. Dù vậy, khối lượng phát hành vẫn đang giảm sâu so với giai đoạn trước.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm; tổng giá trị trái phiếu phát hành chỉ đạt 31.658 tỷ đồng với 7 đợt ra công chúng trị và 15 đợt phát hành riêng lẻ.
Dù được tạo điều kiện bởi Nghị định 08 song những dư âm từ năm 2022 và vấn đề nội tại của nhiều doanh nghiệp hiện tại đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến sự trở lại của kênh huy động vốn này.
Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong thời gian còn lại năm 2023 ở mức 195.265 tỷ đồng trong đó gần 101.200 tỷ đồng đến từ nhóm bất động sản.
Những khó khăn về thanh khoản thị trường địa ốc, pháp lý và triển khai dự án đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành này (bao gồm các tên tuổi lớn), ảnh hưởng đến dòng tiền cũng như khả năng chi trả các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Từ khó khăn về các thông số tài chính, vòng quay vốn chậm, câu chuyện chậm thanh toán lãi trái phiếu, lùi thời hạn - tăng lãi suất cho các lô trái phiếu đến hạn thậm chí tranh chấp giữa nhà phát hành và các trái chủ cũng bắt đầu diễn ra với mật độ cao hơn từ trường hợp của các doanh nghiệp chưa niêm yết như CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Tập đoàn Thái Tuấn, CTCP Hưng Vượng Developer đến những ông lớn niêm yết trên sàn như Địa ốc No Va (Novaland), Bất động sản Phát Đạt, Apax Holdings,...
Được biết ngày 17/5, Bộ Tài chính có công văn đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp phải chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật,…
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá, câu chuyện trái phiếu trên thị trường thứ cấp đúng là vẫn rất trầm lắng do yếu tố cầu. Cụ thể:
- Các ngân hàng - công ty bảo hiểm không được mua các trái phiếu phát hành để cơ cấu nợ;
- Các công ty chứng khoán trước đây mua trái phiếu doanh nghiệp để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân thì bây giờ nhà đầu tư cá nhân gần như không có nhu cầu.
- Phía công ty quản lý quỹ (vốn có một phần đầu tư từ quỹ và một phần là ủy thác đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân) đang gần như không có dòng tiền mới.
- Nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường trái phiếu Việt Nam song tỷ lệ còn rất nhỏ.
Bà Nga đánh giá, Nghị định 08 có 2 tác động chính đến thị trường trái phiếu. Một là tạo cơ sở pháp lý cho việc giãn, hoãn thời gian trả nợ hay hoán đổi trái phiếu sang các tài sản khác.
Theo thống kê của VCBF, 5 tháng đầu năm 2023, tổng số trái phiếu được hoãn thời gian trả nợ vào khoảng 36.000 tỷ đồng - con số khá tương đối. Tuy nhiên, thời gian hoãn cũng chỉ một phần nhỏ, trong đó có kéo dài thời gian trả nợ đến tối đa 2 năm theo quy định của Nghị định 08.
Tác động thứ 2 là việc hoãn thời gian thi hành của một số điều khoản của Nghị định 65 đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiêu theo vị chuyên gia, giải pháp này chỉ có tác động rất nhỏ bởi từ nay đến cuối năm 2023 cũng chỉ còn 7 tháng.
"Tôi nghĩ cần nới thêm thời gian hiệu lực của những điều khoản này, có thể là đến cuối năm 2024 thậm chí là lâu hơn", vị lãnh đạo VCBF cho biết.
Nguồn: VBMA |
Ngân hàng: Đầu tàu dẫn dắt thị trường trái phiếu năm 2024 
‘Bom nợ’ trái phiếu vẫn chực chờ, doanh nghiệp bất động sản manh nha phát hành trở lại