Liên Hợp Quốc cảnh báo ‘thảm họa khí hậu’ nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3,1 độ C vào cuối thế kỷ này
Trái Đất đang nóng lên nhanh một cách kỷ lục, có thể đạt ngưỡng hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này, cao gấp 2 lần mức tăng đã được nhất trí cách đây gần 10 năm.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) hồi tháng 10, thế giới đang đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng "thảm khốc" hơn 3,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gấp đôi mục tiêu Thỏa thuận Paris. Báo cáo chỉ ra rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C "sẽ không thể đạt được trong vài năm tới" nếu không có hành động khẩn cấp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tình trạng này không chỉ dẫn đến suy giảm nguồn nước sông, hồ tự nhiên và nguồn nước ngầm mà còn khiến cho các khu rừng bị bốc cháy thường xuyên hơn. Trước đây, vào năm 2015, các quốc gia đã cam kết trong Thỏa thuận Paris hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C để tránh những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, đã cảnh báo rằng: "Chúng ta đang chới với trên "sợi dây thừng của hành tinh". Các nhà lãnh đạo hoặc thu hẹp khoảng cách phát thải, hoặc chúng ta sẽ lao vào thảm họa khí hậu". Ông Guterres cũng nêu rõ rằng các quốc gia thuộc nhóm G20 cần thể hiện nhiều tham vọng hơn trong vòng cam kết khí hậu tiếp theo, dự kiến vào đầu năm 2025, bao gồm cả việc giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và đóng góp nhiều hơn cho quỹ tài chính khí hậu.
Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP nhấn mạnh: "Thời điểm khủng hoảng khí hậu đã đến. Chúng ta cần hành động toàn cầu ở quy mô và tốc độ chưa từng có - ngay lập tức, trước khi có vòng cam kết khí hậu tiếp theo. Nếu không, mục tiêu 1,5°C sẽ sớm bị phá sản và mục tiêu dưới 2°C sẽ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt", theo Financial Times.
Viện Tài nguyên Thế giới cũng đã cảnh báo về tình trạng các thành phố trở nên khắc nghiệt hơn nếu trái đất tiếp tục ấm lên với tốc độ hiện nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng gần 1.000 thành phố lớn trên khắp các châu lục có thể đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài hàng tháng, khiến nhu cầu năng lượng cho điều hòa không khí tăng vọt và nguy cơ các loại dịch bệnh do côn trùng gây ra trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, theo quy luật chung, cuộc sống của người dân có xu hướng được cải thiện khi họ chuyển đến sống ở các thành phố. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trên 58 quốc gia cho thấy, dù người lao động nông thôn có nhiều khả năng tìm được việc làm hơn so với những người ở thành thị, mức thu nhập của họ lại thấp hơn 25% mỗi giờ làm việc.
Do đó, với sự gia tăng mật độ dân số ở các đô thị, biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn, kéo theo nhiều vấn đề xã hội khó giải quyết như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an toàn giao thông, kiểm soát dịch bệnh và phát sinh các tệ nạn xã hội.
*Theo Reuters, Financial Times
>> Siêu lục địa khiến lớp phủ Trái Đất 'tách thành 2 phần' 
Ảo ảnh hiếm gặp về cái đuôi thứ 2 của sao chổi khi tiếp cận Trái Đất 
Mảng thiên thạch rời Trái Đất, chu du hệ Mặt Trời 10.000 năm bỗng trở về nhà?