Liên minh châu Âu 'giáng đòn' vào sản phẩm thép HRC từ Việt Nam: 2 ông lớn Hòa Phát và Formosa 'lâm nguy'
Trong khi đang lãnh đạo "cuộc chiến" chống HRC xuất xứ Trung Quốc, Hòa Phát và Formosa nhận tin dữ từ thị trường xuất khẩu thép quan trọng của 2 doanh nghiệp.
Hòa Phát và Formosa đón tin dữ từ thị trường quốc tế
Ngày 30/7, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương thông báo rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu điều tra về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Danh sách các nhà sản xuất bị khiếu nại bao gồm hai cái tên nổi bật: CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) và Thép Formosa Hà Tĩnh, hiện là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng sản xuất HRC.
Nếu EC quyết định khởi xướng điều tra, các bên liên quan sẽ nhận được các tài liệu quan trọng bao gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra. Trước thông tin này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm liên quan theo dõi sát sao vụ việc và chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam (Nguồn: Hiệp hội thép Việt Nam) |
Trước đó không lâu, ngày 25/6, EC cũng công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm 2 năm nữa đối với Việt Nam và một số nước khác đến sau ngày 30/6/2026. Điều này khiến thép Việt Nam muốn được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch khu vực này nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm. Nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.
Hiện tại, châu Âu đang là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng 26%, bằng với khu vực ASEAN; tiếp đến là Hoa Kỳ (13%), Đài Loan (4%)...
'Hai mặt giáp địch'
Không chỉ chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu, Hòa Phát và Formosa còn chịu áp lực lớn từ "người hàng xóm" Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thép các loại (+48% YoY) với trị giá khoảng 6 tỷ USD (+25,4% YoY). Riêng HRC nhập khẩu lên đến 6 triệu tấn (+32% YoY) và bằng 173% so với sản xuất trong nước; trong đó, lượng HRC nhập từ Trung Quốc chiếm 74%.
Điều đáng nói, hiện nay năng lực sản xuất thép của doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí dư thừa công suất. Hơn nữa, ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi kinh tế suy thoái và cục diện chiến tranh thương mại đang diễn ra gay gắt. Không chỉ châu Âu, các nước cũng đang dựng các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường nội địa của họ như: Thái Lan (thuế 310,74%), Malaysia (thuế từ 7,81% - 23,845%), Thổ Nhĩ Kỳ (19,64% - 25%), Hoa Kỳ (16,24%)…
Câu chuyện tìm đầu ra cho dự án Hòa Phát Dung Quất 2 trở lên nóng hơn |
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Thép Formosa Hà Tĩnh mang về doanh thu 124,5 tỷ Đài tệ (-3,2% YoY) và gánh khoản lỗ 20,1 tỷ Đài tệ (15.742 tỷ đồng). Trước đó, năm 2022, Thép Formosa Hà Tĩnh cũng lỗ 10 tỷ Đài tệ (7.832 tỷ đồng).
Hòa Phát tuy không lỗ, nhưng Tập đoàn sẽ đưa vào vận hành dự án Hòa Phát Dung Quất 2 trị giá 86.000 tỷ đồng, sản phẩm đầu ra là HRC và rất cần thị trường tiêu thụ.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã bắt đầu có động thái khi đáp ứng yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá của Hòa Phát và Formosa đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.