Kẹt hơn 6.700 tỷ đồng trong 1 dự án 'đắp chiếu' 17 năm, công ty thép của Bộ Công Thương lỗ do lãi vay ăn mòn lợi nhuận
Giá thép giảm mạnh và phải gánh chi phí lãi vay từ dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 khiến TISCO báo lỗ ròng trong quý II/2024.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO - UPCoM: TIS ) công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần 3.071 tỷ đồng (+61% YoY). Lãi gộp đạt 95,3 tỷ đồng (biên lãi gộp 3,1%) trong khi cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn.
Sau khi trừ đi các chi phí lãi vay 35 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 56,5 tỷ đồng, chi phí bán hàng 12,9 tỷ đồng... TISCO báo lỗ sau thuế 95 triệu đồng, cải thiện hơn cùng kỳ lỗ 117,2 tỷ đồng.
Công ty cho biết, trong kỳ thị trường thép vẫn gặp nhiều khó khăn, giá bán thép ở mức thấp (sản phẩm thép cây và thép cuộn giá còn 50%) nhưng chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Lãi gộp chỉ ở mức 322.593 đồng/tấn, còn chi phí tiêu thụ là 410.127 đồng/tấn.
Nguồn: Tổng hợp |
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TISCO mang về doanh thu 5.253,6 tỷ đồng (+20% YoY) và lợi nhuận trước thuế 8,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5,9 tỷ đồng, cải thiện hơn 6 tháng đầu năm 2023 lỗ ròng 135,7 tỷ đồng.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu 12.953 tỷ đồng doanh thu và 15 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy doanh nghiệp đã hoàn thành 41% và 56% kế hoạch năm.
Dự án "đắp chiếu" 17 năm TISCO 2 ăn mòn lợi nhuận
Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản của TISCO là 10.560,2 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang nằm ở dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2 (TISCO 2) là 6.738,9 tỷ đồng (chiếm 63,8%). Dự án này được khởi công vào tháng 9/2007, đến nay là 17 năm chưa thể đi vào hoạt động khiến lợi nhuận TISCO bị bào mòn bởi lãi vay.
Công ty đang có khoản nợ vay lên tới 4.678,6 tỷ đồng, riêng tại dự án TISCO 2 đã vốn hóa chi phí lãi vay đến hiện tại là 3.525 tỷ đồng.
Dự án TISCO 2 nhiều hạng mục chỉ còn là đống sắt hoen gỉ (Ảnh: Báo Lao Động) |
Về phương án xử lý, mới đây, công ty mẹ của TISCO là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - UPCoM: TVN ) - doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ phương án giải quyết cuối cùng với dự án.
Theo đó, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu Trung Quốc và để nhà thầu Việt Nam thực hiện nốt. Từ tháng 3/2024, VNSteel và nhà thầu Trung Quốc đã cùng thực hiện kiểm đếm hàng nghìn trang thiết bị, vật tư đang được lưu giữ với sự chứng kiến và tham gia của tư vấn độc lập. Sau khi chấm dứt hợp đồng, nhiều trang thiết bị sẽ được thay thế do đã lạc hậu.
Đất Xanh (DXG): Tiến độ phát triển dự án chậm hơn kỳ vọng, lãi quý II/2024 giảm 80% 
Gelex (GEX) chính thức sở hữu cổ phần tại Eximbank (EIB)