[LIVE] Thị trường 19/6: VN-Index 'rung giật' mạnh trước thềm đáo hạn phái sinh
VN-Index tăng mở gap trong đầu phiên sáng ngày 19/6 nhưng không giữ được dòng tiền và bị bán trở lại. Một số cổ phiếu VN30 biến động ngược dòng giúp chỉ số duy trì được sắc xanh.
14h45: Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,29 điểm (+0,02%) lên 1.279,79 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 1 tỷ cổ phiếu, gần bằng trung bình 20 phiên. Giá trị giao dịch đạt 29.971 tỷ đồng.
Tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” xảy ra, nếu như phiên sáng thị trường đi lên bằng Midcap thì đến phiên chiều nhóm VN30 chống đỡ chỉ số khi tăng 0,33%, đóng góp lớn nhất từ FPT (+2,73%), HVN (+6,92%), VPB (+2,15%). Độ rộng thị trường nghiêng về phía giảm với 246 mã giảm điểm, 184 mã tăng điểm và 71 mã tham chiếu.
Về diễn biến nhóm ngành, các nhóm thủy sản, phân bón, thép không giữ được dòng tiền, bị bán ngược trở lại. Thị trường có 13/25 ngành giữ sắc xanh nhưng thiếu đi nhóm dẫn dắt.
Khối ngoại bán ròng 1.512 tỷ đồng, bán mạnh nhất các cổ phiếu FPT (222 tỷ đồng), VNM (170 tỷ đồng), VPB (130 tỷ đồng)...
Ở thị trường phái sinh, khối ngoại short ròng 10.073 hợp đồng VN30F1M. Chỉ số này biến động biên 27 điểm trong phiên hôm nay.
14h: Chỉ số hồi phục nhẹ lên 1.276,69 điểm (giảm gần 3 điểm), sự phân hóa trở nên rõ ràng. Một số cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh bất chấp thị trường và nhóm ngành tiêu cực như:
Ngân hàng, toàn ngành giảm 0,29%, cổ phiếu VPB (+2,69%), dẫn đầu thanh khoản trên HoSE, hay EIB (+1,89%).
Thông tin Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn Thông tư 02 vừa xuất hiện không khiến toàn ngành tích cực trở lại.
Bất động sản, toàn ngành giảm 0,9%, cổ phiếu nhóm Hoàng Huy gồm TCH và HHS lần lượt tăng 3,39% và trần. Hay ở nhóm hàng không, cổ phiếu HVN tăng trần trong khi VJC hay ACV sụt giảm.
11h30: Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index giảm 7,59 điểm (-0,59%) về 1.271,91 điểm, gần thấp nhất phiên và thủng ngưỡng hỗ trợ MA20. Thanh khoản thị trường đạt 11.352 tỷ đồng.
Trái ngược với sự tích cực đầu giờ sáng, tâm lý tiêu cực diễn ra, thị trường chỉ còn 12/25 nhóm ngành giữ được sắc xanh. Nhóm thủy sản và phân bón giữ được dòng tiền, nhóm thép cũng gặp áp lực bán ngược trở lại.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng lên 889 tỷ đồng, gây sức ép không nhỏ đến thị trường chung.
Nhóm VN30 giảm 0,56%, một số cổ phiếu trụ như POW (+1,34%), STB (+1,15%) chống đỡ chỉ số.
Sau khi giảm điểm mạnh vào các ngày 14 và 17/6, VN-Index phục hồi vào phiên giao dịch 18/6, từng có lúc chỉ số tăng 11 điểm lên vùng 1.287 điểm nhưng áp lực bán quay trở lại vào cuối phiên khiến VN-Index chỉ còn tăng gần 5 điểm về lại 1.279,5 điểm. Nhóm cổ phiếu năng lượng gồm điện, dầu khí dẫn dắt thị trường.
Xu hướng tích cực được tiếp diễn trong đầu giờ sáng phiên giao dịch ngày 19/6.
10h30: Thị trường gặp áp lực bán, chỉ số VN-Index giảm 2,31 điểm về 1.277,19 điểm. Thanh khoản đạt 289,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 7.644 tỷ đồng.
Thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 252 mã giảm, 141 mã tăng và 76 mã tham chiếu.
Dòng tiền luân chuyển vào nhóm thép, các cổ phiếu đầu ngành có diễn biến khá tích cực như HSG  (+1,39%), NKG  (+0,56%), VGS (+0,52%)... Diễn biến ngược dòng này khá tương đồng với phiên giao dịch ngày 17/6 khi VN-Index giảm sâu nhóm thép vẫn đi lên.
Thủy sản và phân bón đang tăng mạnh với điểm nhấn BFC (+6,9%), DPM (+2,27%), DCM  (+3,38%)...
Khối ngoại bán ròng 644 tỷ đồng, tập trung bán các cổ phiếu FPT  (84 tỷ đồng), VNM (66 tỷ đồng), MSN (58 tỷ đồng)...
>> Giá cổ phiếu FPT có thể chạm 160.000 đồng? 
9h30 : VN-Index tăng mở gap 3,5 điểm lên 1.283 điểm và tiếp tục được duy trì sau đó. Độ rộng thị trường lệch về phía tích cực với 173 mã tăng, 130 mã giảm và 72 mã tham chiếu; có 22/25 nhóm ngành giữ sắc xanh.
Dòng tiền dịch chuyển sang nhóm thủy sản, toàn ngành tăng 2,9%, một số cổ phiếu nổi bật: VHC  (+3,65%), ANV  (+2,52%), IDI  (+2,88%)...
Nhóm cổ phiếu Hoàng Huy tăng mạnh, TCH  (+3,91%), HHS  (+6,88%). Hoàng Huy đang lên kế hoạch niêm yết công ty con là Bất động sản CRV lên sàn HoSE sau 3 năm ấp ủ.
>> Bất động sản CRV của Tài chính Hoàng Huy (TCH) triển khai niêm yết cổ phiếu lên HoSE
Tiềm năng lớn của Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) từ quyết định điều tra chống bán phá giá 
UBCKNN yêu cầu VPS ngừng mô hình chia nhỏ bất động sản để bán cho NĐT giá từ 10.000 đồng