Tài chính Ngân hàng

Lộ diện cổ đông lớn nhất, mới nhất trong ngân hàng nổi tiếng

Ngọc Mai 28/10/2024 - 10:58

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định các ngân hàng phải công bố thông tin cá nhân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người liên quan của cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Nhiều ngân hàng vừa công bố danh sách cổ đông.

Công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ

Nhiều ngân hàng công bố danh sách cổ đông, gồm: Ngân hàng SHB công bố các cổ đông tổ chức bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn T&T sở hữu 7,85%, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) sở hữu 1,46%, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ và người có liên quan sở hữu 2,44%.

Lộ diện cổ đông lớn nhất, mới nhất trong ngân hàng nổi tiếng ảnh 1
Danh sách cổ đông của Ngân hàng SHB vừa công bố.

Các cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ của SHB gồm ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB (2,72%), bà Đỗ Thị Thu Hà (2,03%), ông Đỗ Quang Vinh (2,77%), ông Đỗ Vinh Quang (2,93%).

Trước đó, TPBank cũng công bố danh sách cổ đông tính đến ngày 30/8 với 22 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cùng tổng số cổ phần sở hữu là gần 1,56 tỷ, tương ứng 70,74% vốn điều lệ của ngân hàng.

Đáng chú ý, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank - không nằm trong số cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, hai con của ông Phú là ông Đỗ Minh Đức và con gái Đỗ Vũ Phương Anh mỗi người đang cùng nắm tương ứng 1,11% vốn ngân hàng. Hai cá nhân này hiện lần lượt là Phó chủ tịch thường trực và Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, là cổ đông tổ chức nắm 5,93% vốn TPBank.

Ngân hàng Techcombank cũng đã công bố danh sách gồm 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu của ngân hàng, tương đương tỷ lệ sở hữu 52,265% ngân hàng.

Theo danh sách công bố của Techcombank, 4 quỹ ngoại gồm: Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore sở hữu hơn 1%, Morgan Stanley & Co. International Plc nắm 1,45%, COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7,9%, Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và người liên quan nắm 15,2%. Ngoài ra, một doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Mapleleaf chuyên về tư vấn định cư sở hữu lên tới 4,96% vốn ngân hàng.

Một số cá nhân nắm giữ hơn 1% vốn có liên quan của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, vợ Chủ tịch Techcombank nắm giữ gần 5% và người thuộc diện có liên quan của bà, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,8% ngân hàng. Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Ba người con của ông nắm giữ gần 12% cổ phần.

Tại Eximbank, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ). Tiếp theo là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58%; Công ty cổ phần Thắng Phương: 3,07%. Ngoài ra, 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu lần lượt 1,03% và 1,12% vốn Eximbank là bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Khe hở bị lợi dụng chi phối hoạt động ngân hàng

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn và khe hở của pháp luật khiến các cổ đông có thể lợi dụng để lách luật nhằm chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đầu tiên, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.

Việc sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ, ngành nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác Ngân hàng Nhà nước không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

“Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra.

Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý rằng, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, nhưng cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của ngân hàng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa nội dung thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối tổ chức tín dụng cũng như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm nay.

>> Người dùng Việt cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo

Lãi suất huy động cuối năm được các tổ chức tín dụng dự báo ra sao?

Khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động, linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/lo-dien-co-dong-lon-nhat-moi-nhat-trong-ngan-hang-noi-tieng-post1686198.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lộ diện cổ đông lớn nhất, mới nhất trong ngân hàng nổi tiếng
    POWERED BY ONECMS & INTECH