Lộ diện ‘kho báu’ của Nam Phương hoàng hậu, nổi bật với bộ sưu tập trang sức quý giá và hàng loạt bất động sản xa hoa
Nhiều món nữ trang quý giá của Nam Phương Hoàng hậu được đặt mua và chế tác tại các cửa hàng kim hoàn danh tiếng và uy tín nhất thế giới.
Thuở thiếu thời đầy duyên dáng
Nam Phương hoàng hậu , tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4/12/1914 tại Huyện Kiến Hòa, Tỉnh Định Tường (nay thuộc Thị Xã Gò Công, Tỉnh Tiền Giang). Bà sinh ra trong một gia đình Công giáo giàu có và quyền lực nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Đặc biệt là ông ngoại của bà - Huyện Sỹ Lê Phát Đạt , người được xem là một trong bốn người giàu có nhất cả nước trong những năm đầu của thế kỷ XX.
Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Hữu Thị Lan đã được cha mẹ nuông chiều và sống trong sự sung túc cùng với chị gái. Khi bà lên 12 tuổi, gia đình quyết định gửi bà sang Pháp để theo học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành.
Đặc biệt, vẻ đẹp thanh lịch và duyên dáng của Nguyễn Hữu Thị Lan đã giúp bà được vinh danh tại nhiều cuộc thi sắc đẹp, trong đó có ba lần giành giải Hoa hậu Đông Dương. Những thành tích này không chỉ khẳng định vẻ đẹp và tài năng của bà mà còn góp phần làm nổi bật vị thế của bà trong xã hội thời bấy giờ.
Sau khi trở về từ nước ngoài, Nguyễn Hữu Thị Lan tình cờ gặp vua Bảo Đại, con trai duy nhất của Hoàng đế Khải Định, trong một buổi yến tiệc tại khách sạn La Palace nổi tiếng ở Đà Lạt. Với vẻ ngoài xinh đẹp và duyên dáng, ngay từ lần gặp đầu tiên, Nguyễn Hữu Thị Lan đã khiến nhà vua say đắm.
Mặc dù gặp nhiều rào cản vì Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Công giáo, nhưng cuối cùng vào năm 1934, Bảo Đại cũng được phép tổ chức hôn lễ với người vợ vừa thông minh sắc sảo vừa quyến rũ này. Chỉ bốn ngày sau khi kết hôn, Nguyễn Hữu Thị Lan đã được tấn phong thành Nam Phương hoàng hậu.
Trong những năm đầu sau khi gắn bó, Nam Phương hoàng hậu đã hạ sinh năm người con, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình hoàng tộc. Tuy nhiên, theo thời gian, tình cảm giữa bà và vua Bảo Đại dần phai nhạt.
Sau khi Ngô Đình Diệm lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại, không còn hy vọng về việc Thái tử Bảo Long sẽ lên ngôi, Nam Phương hoàng hậu dường như “chấp nhận” số phận. Bà quyết định sống an yên cùng các con những ngày sau này tại Pháp.
Những năm đầu Nam Phương hoàng hậu sống tại lâu đài Thorenc ở Cannes (Pháp). Ở đây, bà cho con gái nhập học tại trường Couvent des Oiseaux, ngôi trường mà bà đã theo học trước khi về nước lấy chồng. Đây là ngôi trường danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành, nơi bà từng nhận được nền giáo dục tốt. Dù nhiều người nói rằng bà "lưu vong", tuy nhiên bà vẫn tiếp tục sống trong nhung lụa nhờ đến sự giàu có của gia đình.
"Kho báu" khủng của Nam Phương hoàng hậu
Như phần lớn phụ nữ, Nam Phương hoàng hậu rất thích mua sắm nữ trang. Trong những năm chiến tranh đầy cơ cực và thiếu thốn, bà không thể mua sắm nhiều. Tuy nhiên, sau khi đưa được các con đến nơi an toàn, bà chi tiêu hào phóng vào những món trang sức quý giá.
Năm 1948, bà đã đặt nhà thiết kế kim hoàn nổi tiếng Pierre Boivin ở Paris làm một đôi bông tai và một chiếc trâm cài lộng lẫy với một viên ngọc thạch quý giá.
Thông tin trên NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, vào năm 2004, một cuộc bán đấu giá một số trang sức của Nam Phương hoàng hậu được tổ chức tại Paris, thu hút sự quan tâm lớn từ giới sưu tầm và những người yêu thích trang sức. Những món trang sức không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp và sự sang trọng mà còn là những di sản quý giá, gắn liền với câu chuyện cuộc đời của một hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.
Tạp chí Point de Vue số đặc biệt đã có một bài phóng sự với tựa đề "Kho tàng của một hoàng hậu", liệt kê những món trang sức của Nam Phương hoàng hậu được bán đấu giá. Trong số này, có những món nữ trang được sắm từ thập niên 1930 qua các sự kiện như “Tuần lễ vàng” và “Tuần lễ bạc”... Phần còn lại là những món trang sức được mua sắm từ những tiệm kim hoàn danh tiếng như René Boivin, Boucheron, Hermès và Cartier từ năm 1948 đến 1955.
Trong số trang sức bán đấu giá, món đắt giá nhất là chuỗi hai hàng kim cương được định giá 65.000 euro. Ngoài ra, còn có chiếc nhẫn kim cương 6,5 carat được định giá 35.000 euro, trâm cài gắn kim cương, ngọc lam và thạch anh vàng ước lượng từ 10.000 đến 15.000 euro, đôi bông tai kim cương định giá 8.000 euro.
Đặc biệt, trong những năm sống tại Cannes, Nam Phương hoàng hậu đã mua một căn hộ rất rộng ở Neuilly, một thị trấn ngoại ô lịch lãm nằm sát quận 16 của thủ đô Paris. Đây là nơi Hoàng hậu thường lưu trú mỗi khi có việc về Paris.
Bên cạnh đó, bà còn mua một căn nhà gỗ ở trung tâm trượt tuyết Valberg, nằm ở phía Nam dãy núi Alpes. Trung tâm này mới được mở vào năm 1936 và Nam Phương hoàng hậu thường đưa các con về nghỉ đông tại đây, đôi khi còn có cả các cháu, con của chị gái bà, Agnès.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nam Phương hoàng hậu còn đầu tư vào nhiều bất động sản khác tại Paris, bao gồm cả một gia trang lớn ở Maroc, Bắc Phi và có thể còn nhiều nơi khác nữa. Sự đầu tư này không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn là chiến lược của một vị hoàng hậu nhìn xa trông rộng trong việc bảo đảm tương lai tài chính cho gia đình mình. Những tài sản này đã tạo nên một cuộc sống ổn định và thoải mái cho bà và các con trong những năm tháng sống xa quê hương.