Lộ diện những 'sai lầm' của tài xế qua loạt vụ tai nạn giao thông trên cao tốc
Đường cao tốc được thiết kế để vận hành với tốc độ cao, tuy nhiên, qua các vụ tai nạn liên tiếp trong thời gian ngắn nổi lên vấn đề đáng lo từ sự chủ quan, sai lầm của tài xế trong xử lý tình huống.
Hơn 2.000km cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác hiện nay là nỗ lực rất lớn của nhiều cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư và người dân. Thành quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra các cơ hội phát triển, kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền.
Đường cao tốc được thiết kế để vận hành với tốc độ cao, điều đó đòi hỏi người tham gia giao thông, các tài xế phải tuân thủ đúng quy tắc an toàn và thực thi với sự tập trung, ý thức trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên các cung đường cao tốc khiến nhiều người tử vong, trong đó nổi lên vấn đề đáng lo về sự thiếu tuân thủ quy định an toàn của người tham gia giao thông.
Thực tế còn nhiều tuyến cao tốc sắp và sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong những năm tới, đòi hỏi cần sự chủ động thay đổi, nâng cao ý thức chấp hành, kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như chuẩn hóa hướng dẫn về an toàn khi tham gia giao thông  trên cao tốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường cao tốc do Cục CSGT (Bộ Công an) quản lý đã xảy ra 93 vụ tai nạn giao thông làm 36 người chết, 52 người bị thương, trong đó nổi lên những vấn đề đáng lo về kỹ năng xử lý tình huống của người tham gia giao thông.
Tài xế không tuân thủ nguyên tắc an toàn
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận tài xế chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi đi trên cao tốc.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục CSGT, hồi 8h58 ngày 11/7, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên hoàn giữa ô tô con, xe khách và xe bán tải tại Km49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Phân tích tình huống dẫn đến vụ tai nạn nêu trên, lực lượng chức năng cho rằng, thời điểm trên, xe bán tải đi chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe khách loại 16 chỗ va chạm nhẹ từ phía sau. Về kỹ năng lái xe, có thể xuất hiện tình huống phanh gấp, chưa làm chủ được tốc độ.
Sau va chạm, tài xế để 2 ô tô đỗ ở làn đường có tốc độ cao, tối đa 120km/h. Chưa hết, lúc này có 3 người ở 2 xe xuống đường cãi vã ngay trước đầu xe khách.
Điều tra bước đầu cho thấy, nhóm người này đã tranh luận 3 - 5 phút thì ô tô con lao đến đâm mạnh vào đuôi xe khách, đẩy phương tiện này về phía trước khiến 2 người trong nhóm đang cãi vã tử vong và nhiều người bị thương.
Thiếu kỹ năng giải quyết sự cố trên cao tốc
Phân tích tình huống trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, cả 2 tài xế ô tô khách và xe bán tải đã thiếu kỹ năng giải quyết sự cố trên cao tốc.
"Trong tình huống này, 2 tài xế cần nhanh chóng bật đèn cảnh báo, dùng vật cảnh báo như chóp nón, tam giác phản quang... đặt cách đuôi ô tô từ 100 - 120m rồi báo ngay cho lực lượng CSGT qua số 19008099.
Sau đó, tài xế hoặc người đi cùng phải đi vào sát lề đường cách xe bị tai nạn khoảng 200m, dùng vật như áo, khăn... vẫy báo hiệu cho các xe đi phía sau biết", Đại tá Nguyễn Quang Nhật phân tích.
Cũng theo ông Nhật, trường hợp chỉ va chạm nhẹ, không thiệt hại về người, tài sản như nêu trên, tài xế có thể đưa xe vào làn dừng khẩn cấp, thực hiện các biện pháp cảnh báo an toàn rồi báo cho lực lượng CSGT đến xử lý.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh, việc giải quyết, xử lý tai nạn giao thông là nhiệm vụ của CSGT, các tài xế không tự xử lý, tranh cãi ở giữa đường.
Trước đó, cũng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), khoảng 21h25 ngày 2/7 đã xảy ra vụ tai nạn có liên quan đến việc thiếu các biện pháp cảnh báo.
Cụ thể, thời điểm trên xe tải do ông V.V.Th. (SN 1979) điều khiển bị sự cố, đỗ tại làn xe chạy. Tài xế Th. đứng trước đầu xe, có cảnh báo bằng cành cây.
Sau đó, xe bồn chở xăng đâm trúng xe tải khiến ông V.V.Th. tử vong, xăng tràn ra cao tốc gây hỏa hoạn. Tài xế điều khiển xe bồn bị chấn thương sọ não, gãy xương sườn bên phải.
Ở vụ việc này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, việc xử lý khi xe gặp sự cố của tài xế còn yếu, dẫn đến nguy hiểm cho chính mình và người tham gia giao thông khác.
"Tài xế đã dùng cành cây để cảnh báo nhưng chưa đủ rõ nét để các phương tiện khác nhận biết, nhất là trong đêm tối khi tầm nhìn và ánh sáng trên đường đều hạn chế.
Tình huống này tài xế cần dùng chóp nón, tam giác có phản quang... để cách đuôi xe từ 100-120m, nhanh chóng báo cho lực lượng CSGT hoặc đơn vị vận hành đường cao tốc. Tài xế cũng phải đi vào sát lề đường cách xe bị sự cố khoảng 200m rồi dùng đèn pin vẫy, ra tín hiệu để các xe khác giảm tốc độ", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu phương án xử lý tình huống.
Lỗi vi phạm trên cao tốc dẫn tới tai nạn thảm khốc
Trước đó, khoảng 10h ngày 18/2/2024, ông Phan Đình Kiều (SN 1969, trú tại tỉnh Kon Tum) điều khiển ô tô con BKS: 36A-485.XX chạy trên cao tốc Cam lộ - La Sơn (hướng Đà Nẵng - Quảng Trị), trên xe chở gia đình ông Phan Đình Q. (SN 1978), vợ ông Q. là bà Lê Thị H. (SN 1983) và 2 con nhỏ, cùng trú tại tỉnh Thanh Hóa.
Khi đến Km48+200m đoạn qua huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), ô tô con vượt lên từ phía bên phải, va chạm với xe đầu kéo BKS: 63C - 136.XX, kéo theo rơ moóc BKS: 63R-002.XX, do ông Huỳnh Văn Dũng (SN 1974, trú tại tỉnh Tiền Giang) điều khiển, đang đi cùng chiều phía trước.
Sau va chạm, ô tô con lao sang phần đường ngược chiều và đâm vào xe tải BKS: 63H-005.XX rồi tiếp tục lao xuống vực. Vụ tai nạn đã khiến 3 mẹ con bà H. tử vong.
Qua diễn biến vụ tai nạn, cơ quan công an xác định nguyên nhân do ô tô con vượt bên phải rồi tạt sang trái, va đầu ô tô vào xe đầu kéo nên gây tai nạn.
Đại diện Cục CSGT cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn trên đường cao tốc là các tài xế chuyển làn tùy tiện, không bật xi nhan cảnh báo.
"Trên cao tốc, các phương tiện lưu thông tối thiểu là 60km/h, tối đa từ 80 - 120km/h, nếu tài xế chuyển làn đột ngột, các phương tiện đi phía sau chắc chắn không xử lý kịp", đại diện Cục CSGT nêu tình huống.
Vì vậy, đại diện Cục CSGT khuyến cáo, trước khi chuyển làn, tài xế cần quan sát kỹ các phía. Nếu đủ điều kiện an toàn thì bật đèn xi nhan để cảnh báo các phương tiện di chuyển phía sau và chuyển từng làn một.
(Còn tiếp)
>> Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm dẫn đến tai nạn đường sắt
Việt Nam ghi nhận hơn 12.300 vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng, hầu hết xảy ra ở đường bộ 
Gần 1.500 học sinh THPT thương vong vì tai nạn giao thông năm 2023