Lộ doanh nghiệp BĐS có đòn bẩy tài chính cao nhất, không phải VIC, VHM, NVL, DXG, DIG
Đến cuối quý II/2024, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản của doanh nghiệp bất động sản này ở mức 53% - tăng mạnh so với đầu năm song song với việc tăng vay nợ. Dù vậy, lợi nhuận bán niên của công ty lại "bốc hơi" tới 76%.
CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (Mã VPI  - HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất đạt 95,7 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm lợi nhuận là do không còn ghi nhận lợi nhuận từ việc bàn giao sản phẩm thuộc dự án Khu biệt thự Hùng Sơn tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa như trong quý II năm trước.
Ngoài doanh thu từ các dự án The Terra Bắc Giang, The Terra An Hưng và khu căn hộ dịch vụ khách sạn Tây Hồ, công ty đang triển khai một số dự án mới tại Bắc Giang và TP. Hải Phòng, dự kiến bàn giao trong các quý tới.
Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản của Văn Phú Invest đạt 11.800 tỷ đồng - giảm 700 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu tài sản bao gồm 435 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, 2.400 tỷ đồng các khoản phải thu và gần 3.860 tỷ đồng danh mục tồn kho (chủ yếu tại dự án The Terra Bắc Giang - 1.513 tỷ đồng và dự án Thủy Nguyên - Hải Phòng - 1.865 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 của Văn Phú Invest |
Về nợ phải trả, doanh nghiệp ghi nhận số nợ hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó hơn 6.200 tỷ là nợ vay tài chính, tăng hàng trăm tỷ so với đầu năm.
Được biết, VPI hiện đứng thứ 7 trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản có nợ vay cao nhất, sau NLG , KDH, BCM, NVL, VHM , VIC. Chi phí lãi vay trong 6 tháng qua là 151 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 1,5 lần; tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản đạt 53% - tăng mạnh so với mức 43% hồi đầu năm. Theo đó, Văn Phú Invest hiện có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản đi vay nhiều nhất, vượt qua các doanh nghiệp như DIC Corp  (23%), Đất Xanh (18%), Vingroup (31%), Hà Đô (37%), Becamex IDC (39%) và Năm Bảy Bảy (40%).
Theo thuyết minh chi tiết, cơ cấu nợ vay bao gồm 3.800 tỷ đồng từ nguồn ngân hàng (với lãi suất từ 8-12%/năm), gần 1.800 tỷ đồng dư nợ trái phiếu và gần 650 tỷ đồng vay từ các đối tượng khác. Các ngân hàng chủ nợ lớn của VPI là VPBank, MBBank và Indovina Bank.
Nguồn: Fili |
Tài sản đảm bảo cho phần lớn các khoản vay là giá trị tồn kho bất động sản, cùng với khoảng 43 triệu cổ phiếu phổ thông của công ty và một số tài sản khác.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VPI đang giao dịch ở mức giá 57.800 đồng (kết phiên sáng 29/8).
>> Cổ phiếu bất động sản Top đầu VHM, NVL, PDR, DXG tăng mạnh 15-30% 
Doanh nghiệp nhà Vingroup (VIC) chính thức quản lý sân golf số 1 nước Úc 
Dòng tiền 'cá mập' tái xuất sau 4 tháng, cổ phiếu Đất Xanh (DXG) thị uy sức mạnh