Lò phản ứng thorium đầu tiên trên thế giới chính thức vận hành
Trung Quốc lần đầu vận hành lò phản ứng thorium, mở ra hướng phát triển năng lượng hạt nhân an toàn và bền vững cho tương lai.
Trung Quốc vừa ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ toàn cầu khi chính thức vận hành thành công lò phản ứng muối nóng chảy sử dụng thorium đầu tiên trên thế giới. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến lớn về mặt kỹ thuật mà còn mở ra kỳ vọng thay đổi hoàn toàn cách thế giới tiếp cận năng lượng hạt nhân. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với uranium, thorium được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng nền tảng cho một thế hệ lò phản ứng an toàn hơn, hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Lò phản ứng mới được đặt tại thành phố Ngô Dương, tỉnh Cam Túc, hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng muối nóng chảy để truyền nhiệt thay vì nước như các lò phản ứng truyền thống. Điều này cho phép tăng cường khả năng chịu nhiệt, giảm nguy cơ sự cố nghiêm trọng và đặc biệt phù hợp với các khu vực khan hiếm nguồn nước.
Thorium – Nhiên liệu hạt nhân của tương lai
Thorium từ lâu đã được cộng đồng khoa học đánh giá là một ứng viên lý tưởng thay thế uranium trong các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới. Không chỉ dồi dào về trữ lượng, thorium còn có đặc tính tự điều chỉnh phản ứng hạt nhân trong điều kiện bất thường, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt, lượng chất thải phóng xạ sinh ra từ quá trình sử dụng thorium ít hơn nhiều và có chu kỳ phân rã ngắn hơn, giúp giảm thiểu gánh nặng xử lý chất thải lâu dài.
Ngoài ra, thorium khó bị lợi dụng cho mục đích quân sự như uranium hoặc plutonium, mở ra viễn cảnh về một nền công nghiệp hạt nhân an toàn và hòa bình hơn trên phạm vi toàn cầu.
![]() |
Thorium từ lâu đã được cộng đồng khoa học đánh giá là một ứng viên lý tưởng thay thế uranium. Ảnh: Intrernet |
Trung Quốc tăng tốc dẫn đầu cuộc đua thorium
Trong khi nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và Ấn Độ từng nghiên cứu về lò phản ứng thorium, Trung Quốc lại là nước đầu tiên hiện thực hóa công nghệ này bằng một mô hình vận hành thực tế. Dự án do Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân Thượng Hải (SINAP) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc triển khai, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu.
Chiếc lò đầu tiên này có công suất nhỏ, phục vụ mục tiêu thử nghiệm và tối ưu hóa công nghệ. Trung Quốc đặt mục tiêu trong tương lai sẽ nhân rộng mô hình này, xây dựng các lò thorium quy mô thương mại tại những khu vực hoang mạc phía Tây, nơi ít tài nguyên nước nhưng dồi dào năng lượng mặt trời, gió và giờ đây là cả năng lượng hạt nhân sạch.
Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ
Dù lò phản ứng thorium mang đến nhiều kỳ vọng, nhưng việc vận hành trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật. Các vấn đề như kiểm soát hiện tượng ăn mòn do muối nóng chảy gây ra, phát triển vật liệu chịu nhiệt bền bỉ và thiết kế hệ thống an toàn tối ưu cho lò phản ứng vẫn đang được các nhà nghiên cứu không ngừng cải tiến.
Bên cạnh đó, để lò phản ứng thorium cạnh tranh được với các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hay thủy điện, cần một lộ trình dài hơi về tối ưu chi phí, thương mại hóa sản phẩm và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
>> Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng chip vì phụ thuộc vào một thứ từ Nhật Bản