'Lộ trình' hưởng lợi của cổ phiếu dầu khí từ siêu dự án Lô B – Ô Môn
Dự án Lô B – Ô Môn đang được thúc đẩy triển khai với nhiều tín hiệu tích cực và điều này dự kiến mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các doanh nghiệp trong ngành.
Dự án Lô B – Ô Môn là dự án lớn nhất ngành Dầu khí Việt Nam từ trước tới nay và là một dự án trọng điểm ngành năng lượng. Dự án đang được thúc đẩy triển khai với nhiều tín hiệu tích cực và điều này dự kiến mang lại một khối lượng công việc khổng lồ cho các doanh nghiệp trong ngành.
Nguồn: ABS |
Đây là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.810MW (theo quy hoạch điện VIII).
Dự án này đã bị chậm trễ trong khoảng thời gian dài gần 20 năm qua, nay đang được thúc đẩy tiến độ triển khai trong bối cảnh các nguồn khí hiện tại đang bị suy giảm. Năm 2026 dự kiến sẽ đón dòng khí đầu tiên từ Lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III & IV sẽ vận hành vào năm 2027-2030 (Ô Môn I hiện đã đi vào vận hành, sẽ chuyển sang sử dụng khí từ Lô B trong thời gian tới).
Nguồn: ABS |
Việc chính thức có quyết định đầu tư cuối cùng FID được coi là điều kiện quan trọng để triển khai đồng bộ dự án trên toàn chuỗi, nhằm đảm bảo đưa dòng khí đầu tiên vào khai thác đúng như kế hoạch vào năm 2026. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có một chủ đầu tư là MOECO ra FID vào ngày 29/3/2024, nên cần có FID từ các chủ đầu tư còn lại là PVN & PTTEP (Thái Lan), trong đó đặc biệt là PVN – chủ đầu tư lớn nhất trên toàn chuỗi dự án (tại cả 3 khâu thượng, trung, hạ nguồn).
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ có Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) cho nhà máy điện Ô Môn I, như vậy còn thiếu GSA cho 3 nhà máy điện còn lại là Ô Môn II, III & IV. Ngoài ra, hiện chưa có hợp đồng mua bán điện (PPA) cho cả 4 nhà máy điện tại cụm Ô Môn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ ra FID của dự án.
Bên cạnh đó, nhà máy điện Ô Môn III & IV mới được chuyển giao từ EVN sang PVN vào tháng 7/2023 nên cũng cần một khoảng thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nguồn tài chính, đàm phán hợp đồng mua bán điện, khí....
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán An Bình (ABS) kỳ vọng FID sẽ sớm được đưa ra trong quý III/2024 để đảm bảo dự án vận hành theo đúng lộ trình dựa trên việc một loạt các văn bản được ban hành nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai chuỗi dự án.
Đồng thời, ABS cũng chỉ ra các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chuỗi dự án này như:
Nguồn: ABS |
Ở giai đoạn thi công EPCI, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS ) là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ dự án này với vai trò tổng thầu EPCI.
Hiện nay, PVS và công ty con là PTSC M&C đều tham gia cả 3 gói thầu đầu tiên là EPCI#1, EPCI#2, EPCI#3 với giá trị trúng thầu đem về cho PVS là 1,2 tỷ USD với các phần việc như thiết kế xây lắp 1 giàn trung tâm, giàn nhà ở, giàn thu gom/giàn đầu giếng, đường ống dẫn khí đốt trên bờ dài 102km... PVS dự kiến cũng sẽ hưởng lợi giai đoạn sau khi dự án tiếp tục mở rộng phát triển.
Ngoài ra, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS) dự kiến cũng được hưởng lợi với vai trò nhà thầu phụ.
Ở giai đoạn khoan/dịch vụ kỹ thuật giếng khoan, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD ) sẽ hưởng lợi. Nếu diễn ra đúng kế hoạch FID có được trong năm 2024 thì PVD dự kiến sẽ tham gia phần việc khoan các giếng khai thác cho dự án này từ năm 2025 với khoảng 750 giếng khoan, hứa hẹn một khối lượng công việc lớn cho doanh nghiệp từ dự án này. PVD dự kiến cũng sẽ hưởng lợi trong giai đoạn sau của dự án (mở rộng phát triển mỏ).
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVC) dự kiến cũng hưởng lợi khi cung cấp dung dịch khoan cho dự án.
Đến khâu bọc ống, CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB ) và CTCP Sản xuất Ống Thép Dầu khí – PV PIPE (một công ty thành viên của PV GAS) sẽ hưởng lợi, hoạt động này dự kiến mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS ) dự kiến hưởng lợi từ năm 2027 khi tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, phân phối khí. Hoạt động này dự kiến mang lại doanh thu gần 10.000 tỷ đồng/năm cho GAS thông qua hoạt động vận chuyển khí.
Trên thị trường đa phần giá các cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ Dự án Lô B đều tốt hơn giá dầu trong khoảng thời gian từ đầu năm tới nay (ngoại từ PXS). Một số cổ phiếu có diễn biến tích cực hơn VN-Index như PVB (+47% so với đầu năm), PVS (+17% so với đầu năm).
Nguồn: ABS |
ABS đánh giá cao triển vọng các cổ phiếu GAS, PVS, PVD trong thời gian tới. Đây là những doanh nghiệp dự kiến hưởng lợi lớn từ Dự án Lô B – Ô Môn và cũng là những doanh nghiệp đầu ngành ở lĩnh vực thượng nguồn và trung nguồn.
>> PV Drilling (PVD) dự kiến đưa giàn khoan mới vào khai thác trong cuối năm nay