Loại cây 'báu vật' trong nhóm Tứ Linh ở Việt Nam, trả giá 250 cây vàng chủ vẫn không chịu bán
Đây là một trong những "kho báu" của đại gia Hà Nội, được bảo vệ, giữ gìn nhiều thập kỷ.
Cây sanh (tên khoa học là Ficus benjamina) từ lâu đã được xem là một trong những loại cây  cảnh quý hiếm và được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Với dáng vẻ cổ kính, bộ rễ uốn lượn độc đáo và ý nghĩa phong thủy sâu sắc, cây sanh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật sống động mà còn là biểu tượng của sự trường tồn, thịnh vượng.
Tại Việt Nam, một số cây sanh cổ thụ có tuổi thọ lâu đời và giá trị cao khiến nhiều người chú ý. Trong đó, cây sanh có tên "Hồn Việt" của ông Nguyễn Tân Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt. Được biết, cây này có tuổi đời lên đến 100 năm, sở hữu tán rộng, cành lá sum sê chiếm trọn một khoảng không gian.
Năm 1998, tình cờ được một người bạn giới thiệu, ông Khoa đã biết đến cây sanh  cổ này. Tuy nhiên, việc sở hữu nó không hề dễ dàng. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, thậm chí phải trả giá rất cao, ông mới có thể đưa được "báu vật" này về nhà. Người chủ cũ đã nhất quyết từ chối bán cây cho đến khi gia đình họ gặp khó khăn về kinh tế, buộc phải nhượng lại với giá 10 cây vàng.
Vị đại gia này bắt đầu trở nên nổi tiếng trong giới sinh vật cảnh khi sở hữu cây sanh trị giá 10 cây vàng. Từ đó, khách bắt đầu tìm tới nhà ông Khoa nườm nượp vì tò mò và muốn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật. Với tình yêu mãnh liệt dành cho cây cảnh, ông Khoa đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để chăm sóc và tạo hình cho cây sanh cổ. Ông đặt tên cho cây là "Hồn Việt" và tự tay thiết kế những tiểu cảnh tinh xảo như bến nước, sân đình, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn... để tôn vinh vẻ đẹp cổ kính của cây.
Những hình ảnh đặc trưng của quê hương, đất nước Việt Nam được ông Khoa thiết kế tỉ mỉ, kỹ lưỡng, toát lên nét đẹp nghệ thuật. Qua thời gian, rễ của cây sanh cổ rủ xuống những tiểu cảnh càng tạo nên nét đẹp độc đáo, có một không hai. Chia sẻ về việc tự tay tạo tiểu cảnh, ông Khoa khẳng định mình là người đầu tiên làm dáng làng trong cây, trước đó những người đam mê sinh vật cảnh chỉ chơi cây dáng thế.
Sau khi tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện, ông Khoa đón không ít khách ở muôn nơi đến hỏi mua cây. Ông đã nhiều lần từ chối lời đề nghị mua lại cây sanh cổ với giá cao ngất ngưởng. Năm 2005, cây sanh được trả giá 250 cây vàng nhưng ông vẫn kiên quyết giữ lại "báu vật" của mình. Tới năm 2010, "báu vật" lại được một đại gia trả 10-15 tỷ đồng nhưng chủ nhân cây sanh vẫn không đồng ý bán. Với ông, cây sanh không chỉ đơn thuần là một tài sản mà còn là một người bạn tri kỷ, mang giá trị tinh thần vô cùng lớn lao.
Sanh là loại cây xếp vào nhóm Tứ Linh, bên cạnh đa, sung, si. Cây sanh được xem là một trong những chất liệu lý tưởng để tạo nên những tác phẩm bonsai độc đáo. Với sự kiên nhẫn và tài hoa của người nghệ nhân, cây sanh có thể được uốn nắn thành những hình dáng khác nhau, tạo nên tác phẩm nghệ thuật bắt mắt.