Loại gỗ cực quý hiếm ở Việt Nam bị cấm khai thác, 800 năm mới có thể thu hoạch, giá đắt ngang kim cương
Loại gỗ này được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ thời Thanh, thường mọc ở độ cao từ 100-800m so với mực nước biển.
Gỗ giáng hương, một loại gỗ quý hiếm với tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus. Giáng hương thuộc danh sách gỗ quý nhóm 1 và bị cấm khai thác, được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Hiện nay, gỗ giáng hương rất khan hiếm, khó tìm được những cá thể nào có kích thước lớn như trước đây.
Giáng hương thuộc họ Đậu và có mặt ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc . Giáng hương là cây gỗ có độ cao từ 15-25m; vỏ màu nâu, xám và thân thẳng. Gỗ giáng hương có mùi thơm dễ chịu, đậm đà. Vân gỗ giáng hương đẹp, gỗ chắc nịch, cứng cáp và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
Gỗ giáng hương được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam từ thời nhà Thanh. Giáng hương từng được tìm thấy ở nhiều địa phương tại nước ta như: Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Loại gỗ này thường mọc ở độ cao từ 100-800m so với mực nước biển và vùng có lượng mưa từ 1270-1520mm/năm.
Thời gian sinh trưởng của loài gỗ này rất chậm, có thể 800 năm mới cho ra một cây gỗ trưởng thành. Điều này khiến gỗ giáng hương trở nên quý hiếm khi nguồn cung vô cùng hạn chế.
Một cây giáng hương cổ thụ - Ảnh: Báo Gia Lai |
Giáng hương có một điểm đặc biệt là sự xuất hiện của ‘cục bướu” trên thân cây, được gọi là gỗ nu hoặc gỗ nu hương. Tùy vào cách cây hấp thụ dưỡng chất và thời gian sinh trưởng, cục bướu này sẽ có độ lớn khác nhau. Tuy nhiên, đa phần cục bướu sẽ có đường kính lớn hơn thân cây chủ.
Giá trị của gỗ nu được so sánh với kim cương trong giới đá quý. Vào tháng 8/2016, theo Dân Trí đưa tin, một bộ bàn ghế được chế tác từ gốc cây gỗ nu rừng của một nghệ nhân người Thái Bình từng được rao bán tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội  với giá hơn 1 tỷ đồng.
Còn theo Dân Việt đưa tin, vào năm 2017, xuất hiện một cây gỗ giáng hương tại thôn Yuk Kla, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Một người đàn ông có kinh nghiệm trong nghề khai thác gỗ đã được cấp phép di dời cây giáng hương này về Thanh Hóa.
Nhiều người đã tìm đến và hỏi mua với giá 1 triệu USD (khoảng hơn 25 tỷ đồng) để được sở hữu cây gỗ giáng hương này nhưng ông quyết định không bán.
Giáng hương là loài gỗ quý, có giá trị cao nên thường là mục tiêu rình rập của những tên lâm tặc. Trong năm nay, ngày 23/5, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết đang tạm giữ 96 cây gỗ giáng hương tươi, thuộc thực vật rừng nhóm IIA (nhóm thực vật rừng quý, hiếm).
Trong số đó, có 64 cây đã được đưa lên xe tải BKS 62H - 041.68 của ông Châu Hồng Nguyên (tài xế trú huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã lập biên bản, yêu cầu tài xế đưa xe và hàng hóa về trụ sở.
Gỗ giáng hương không chỉ là loài cây quý hiếm mà còn có những giá trị văn hóa và phong thủy đặc biệt. Chính vì vậy, việc bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên gỗ giáng hương là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa của loại gỗ quý này.