Loại hạt của Việt Nam được 90 quốc gia săn đón lập kỷ lục, Mỹ lần đầu chi hơn 1 tỷ USD để thu mua
Đây là loại hạt có nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo,...
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu gần 724 nghìn tấn hạt điều nhân, kim ngạch đạt 4,34 tỷ USD, so với năm trước tăng 12,4% về lượng và 19,2% về giá trị. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi hạt điều Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.
Ngành điều Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới suốt 18 năm liên tiếp khi chiếm hơn 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu.
Ngành điều Việt Nam sở hữu công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới, do người Việt sản xuất. Hiện nay, điều nhân của nước ta đã có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, xuất khẩu hạt điều có xu hướng tăng tại các thị trường truyền thống và tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc. Năm 2024, Mỹ là thị xuất khẩu lớn nhất của hạt điều Việt Nam. Đây là lần đầu tiên quốc gia này chi hơn 1,15 tỷ USD nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều Việt Nam, so với năm trước tăng 21,3% về lượng và 30,3% về giá trị.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu. Chất lượng hạt điều trồng tại Việt Nam cũng là ngon nhất.
Ngành điều Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới suốt 18 năm liên tiếp - Ảnh: Vnbusiness |
Hạt điều là loại hạt có nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo,... Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hạt điều từ các thị trường lớn nhiều khả năng vẫn sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới, tạo dư địa xuất khẩu  cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành điều Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều thách thức như sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chi phí sản xuất cao, áp lực cạnh tranh gay gắt,...
Nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại phần lớn phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu với lượng lớn hàng đến từ Campuchia. Những năm gần đây, ngành điều Campuchia phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành nguồn cung lớn cho Việt Nam.
Theo báo Công Thương, cùng với Châu Phi, Campuchia cũng đang dần hạn chế xuất khẩu thô, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nội địa. Vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã đưa cảnh báo về nguy cơ vị trí số 1 có thể bị lung lay nếu Việt Nam không chủ động được nguồn cung nguyên liệu.
Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam đưa đề xuất để Việt Nam có thể chủ động nguồn cung bằng cách hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và phía Nam của Lào; trong đó gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập nguồn điều thô này về và chế biến.