Vĩ mô

Campuchia sắp ra mắt nhà máy chế biến hạt điều 12 triệu USD: Vị thế số 1 thế giới của Việt Nam có bị lung lay?

Phúc Lam 04/11/2024 15:37

Nhà máy này có diện tích lên đến 12.000m2, dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 3/2025.

Theo Khmer Times, nhà máy chế biến hạt điều lớn nhất Campuchia của CSNC (doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore) với vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024 và sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2025.

Nhà máy này có diện tích lên đến 12.000m2, được đặt tại xã Trapeang Russey, huyện Kampong Svay, tỉnh Kampong Thom. Nhà máy có công suất lên đến 40 tấn hạt điều mỗi ngày hoặc hơn 12.000 tấn mỗi năm để xuất khẩu.

Chia sẻ với Khmer Times, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hạt điều Campuchia (CAC) Suy Kokthean cho biết lô hàng điều chế biến đầu tiên của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước khi đến thị trường bán lẻ và người tiêu dùng, lô hàng sẽ đến Hải Nam (Trung Quốc) để tiến hành đóng gói.

Ông Suy Kokthean chia sẻ thêm: “Cho đến nay, thị trường chính cho hạt điều M23 cỡ lớn của Campuchia là Trung Quốc. Thật không may, chúng tôi không thể xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, thay vào đó, chúng tôi phải thông qua Việt Nam, nơi mua gần 90% hạt điều thô của chúng tôi”.

Ông thông tin thêm, sau các cuộc thảo luận giữa CSNC với các đối tác Trung Quốc cũng như Hiệp hội Hạt điều Campuchia, khi đủ năng lực chế biến, Campuchia có thể xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc mà không cần thông qua Việt Nam.

Ông Kokthean cho biết Chính phủ Campuchia (RGC) hiện đang có những chính sách quốc gia về hạt điều nên ông tin rằng tương lai ngành hạt điều của Campuchia sẽ rất tươi sáng. “Tôi tin rằng trong 5 đến 6 năm tới, chúng tôi sẽ có thể trở thành nhà sản xuất hạt điều số 1 thế giới”, ông nhấn mạnh.

Campuchia là quốc gia có diện trồng cây điều đứng thứ ba thế giới với khoảng 580.117ha. Trong năm 2024, dự kiến tổng sản lượng điều của quốc gia này khoảng 800.000 tấn.

Campuchia sắp ra mắt nhà máy chế biến hạt điều 12 triệu USD: Vị thế số 1 thế giới của Việt Nam có bị lung lay?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Những năm gần đây, ngành điều Campuchia phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành nguồn cung lớn cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 478.000 tấn điều nhân, bỏ túi hơn 2,77 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 22,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị.

Trong đó, nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại phần lớn phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu với lượng lớn hàng đến từ Campuchia.

Tuy nhiên, để tăng giá trị cho sản phẩm, Campuchia đã có kế hoạch giảm xuất khẩu điều thô để chuyển sang tập trung xuất khẩu điều chế biến. Hành động này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, xuất khẩu điều thô từ Campuchia sang Việt Nam có thể sẽ giảm.

Theo báo Công Thương, cùng với Châu Phi, Campuchia cũng đang dần hạn chế xuất khẩu thô, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nội địa. Vì vậy, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã đưa cảnh báo về nguy cơ vị trí số 1 có thể bị lung lay nếu Việt Nam không chủ động được nguồn cung nguyên liệu.

Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam đưa đề xuất để Việt Nam có thể chủ động nguồn cung bằng cách hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và phía Nam của Lào; trong đó gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập nguồn điều thô này về và chế biến.

>>Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sắp đón dự án FDI tỷ đô

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc – Cú huých cho nền kinh tế Việt Nam

Hàng loạt nông sản xuất khẩu lập kỷ lục mới, một loại quả bùng nổ giúp Việt Nam bỏ túi hàng tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/campuchia-sap-ra-mat-nha-may-che-bien-hat-dieu-12-trieu-usd-vi-the-so-1-the-gioi-cua-viet-nam-co-bi-lung-lay-257942.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Campuchia sắp ra mắt nhà máy chế biến hạt điều 12 triệu USD: Vị thế số 1 thế giới của Việt Nam có bị lung lay?
    POWERED BY ONECMS & INTECH