Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn khó khăn để tìm điểm cân bằng mới sau khi điều chỉnh mạnh 3 tháng trở lại đây. Đà giảm của thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu lớn bay màu, nhiều mã thậm chí đã "bốc hơi" khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD.
Nhìn vào từng doanh nghiệp cụ thể, Vietcombank hiện là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 360.000 tỷ đồng - tương ứng 15,6 tỷ USD, thậm chí vượt cả mức vốn hóa 3 ngân hàng BIDV (149.226 tỷ đồng ~ 6,49 tỷ USD), Vietinbank (108.610 tỷ đồng ~ 4,7 tỷ USD) và MBB (85.012 tỷ đồng ~ 3,7 tỷ USD) cộng lại.
Bộ đôi Vingroup xếp ngay sau với vốn hóa Vingroup đạt 288.333 tỷ đồng (12,5 tỷ USD) và Vinhomes với 283.034 tỷ đồng (12,3 tỷ USD) - bỏ khá xa cái tên lớn thứ 4 là GAS (10,4 tỷ USD).
Trong danh sách vốn hóa tỷ USD, cái tên mới góp mặt là DPM có vốn hóa nhỏ nhất với 23.327 tỷ đồng - tương ứng 1,01 tỷ USD. Cổ phiếu DPM từ đầu năm đến nay đã xuất sắc bứt phá thêm 22% qua đó chính thức lọt vào danh sách tỷ USD khi cổ phiếu lập đỉnh mới bất chấp những nhịp chỉnh sâu của thị trường.
Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có 17 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,96 triệu tỷ đồng (tương ứng 58,3 tỷ USD) - chiếm khoảng 27% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, "nhóm Vingroup" còn 4 đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail và Vefac (tổng 28,8 tỷ USD vốn hóa) - chiếm gần 6% vốn hóa thị trường và là nhóm lớn thứ 2. Những năm gần đây, vị thế của nhóm Vingroup trên thị trường đã giảm đi đáng kể khi ngày càng nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn khác lên sàn cùng với đà lao dốc của cổ phiếu.
Ngành chứng khoán đầu năm nay còn 2 gương mặt lọt vào danh sách tỷ USD gồm SSI và VNDirect. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhóm này đã không bất kỳ một đại diện nào.
Ngành bất động sản - bất động sản khu công nghiệp sau một năm 2021 vô cùng sôi động, một vài gương mặt quen thuộc như Vinhomes (12,31tỷ USD), Novaland (6,4 tỷ USD), Becamex (2,9 tỷ USD), Phát Đạt (1,46 tỷ USD), SunShine Homes (1,3 tỷ USD) vẫn hiện diện. Ở chiều ngược lại, những cái tên như DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SZC),... đã phải rời danh sách.
Tại nhóm ngành viễn thông – công nghệ cũng ghi nhận sự thay đổi khi 2 doanh nghiệp Viettel Global (3,2 tỷ USD vốn hóa) và FPT (4,4 tỷ USD) vẫn thuộc danh sách; ngược lại FPT Telecom hiện chỉ còn khoảng 22.556 tỷ đồng vốn hóa ~ 0,98 tỷ USD.
Hòa Phát (HPG) mất hơn 5 tỷ USD vốn hóa
Nổi bật hơn cả Áp lực bán trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu trong đó nổi bật phải kể đến HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Cổ phiếu này kết thúc phiên 20/6 tại mức giá sàn 21.600 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất trong vòng 17 tháng. So với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 10 năm ngoái, HPG đã mất hơn một nửa thị giá. Vốn hóa thị trường cũng "bốc hơi" 129.670 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD) và rơi về mức 125.600 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG lao dốc
Đáng nói, con số 5,6 tỷ USD mà Hòa Phát mất đi chỉ trong 8 tháng qua gấp hơn 3 lần vốn hóa của 2 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là VND và SSI công lại và tương đương với tổng vốn hóa của 5 ngân hàng thương mại tầm trung như VIB, MSB, OCB, LPB, NVB.
Không chỉ riêng HPG, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm sâu từ đỉnh có thể kể đến như HSG mất 70%, NKG bay 63%,...
Trong bối cảnh nhóm thép đang miệt mài dò đáy, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã có những chia sẻ thẳng thắn tại Đại hội cổ đông thường niên 2022.
"Cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi 2 tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Long chia sẻ.
Dự báo KQKD nhóm ngân hàng: Tốc độ tăng trưởng phân hoá, có nhà băng lãi tăng 63% 
5 năm chờ đợi, thương vụ tỷ USD bán 6,5% vốn của Vietcombank liệu có về đích năm 2025?