Thay vì đăng ký niêm yết cổ phiếu lên HNX, lần này Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã rà soát các điều kiện niêm yết trên HoSE và chỉ còn "dính" mỗi điều kiện về nợ quá hạn, đang làm việc với các bên liên quan.
Ngày 13/4/2023 tới đây CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Danh sách cổ đông tham dự đã chốt ngày 13/3/2023. Hiện công ty đã công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông lần này.
Tái khởi động kế hoạch niêm yết
Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết cổ phiếu BSR của công ty đã đăng ký giao dịch trên Upcom từ tháng 1/2018, tính đến nay đã 5 năm. Vốn điều lệ công ty hơn 31.000 tỷ đồng tương ứng hơn 3,1 tỷ cổ phần, tuy vậy số cổ phiếu đăng ký giao dịch hiện nay 243.868.078 cổ phiếu, chiếm 7,87% tổng số cổ phần đã phát hành.
Đầu năm 2020 Lọc Hóa dầu Bình Sơn từng thực hiện nộp hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ hơn 3,1 tỷ cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX ). Tuy vậy đến gần cuối 2020 công ty đã rút hồ sơ đăng ký niêm yết với lý do những tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến giá dầu thế giới và tình hình SXKD của công ty. Do vậy Lọc Hóa dầu Bình Sơn quyết định lùi thời gian thực hiện niêm yết để tập trung vào nhiệm vụ SXKD cốt lõi.
Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết thêm giai đoạn 2020-2021 công ty chưa thể tiếp tục thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện về hồ sơ niêm yết.
Soát điều kiện niêm yết trên HoSE, "dính" điều kiện về nợ quá hạn
Cuối 2022 vừa qua công ty đã rà soát lại các điều kiện niêm yết và đánh giá cổ phiếu BSR đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện để thực hiện đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) . Trong khi đó, lần nộp hồ sơ trước đó năm 2020 công ty nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại HNX.
Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng liệt kê 8 tiêu chí để được niêm yết trên HoSE, bao gồm:
- Vốn điều lệ (đạt)
- Đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (đạt)
- Đã giao dịch trên Upcom tối thiểu 2 năm (đạt).
- Tỷ lệ ROE năm liền trước năm đăng ký tối thiểu 5% và 2 năm liền trước năm niêm yết có lãi (đạt)
- Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm; không có lỗ lũy kế căn cứ trên BCTC kiểm toán năm gần nhất (đang phối hợp cơ quan thẩm định làm rõ )
- Điều kiện về cơ cấu cổ đông (đạt)
- Điều kiện về cổ đông liên quan lãnh đạo công ty (đạt)
- Công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty không bị xử lý vi phạm trong 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết (đạt)
Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận cả 2 năm 2021 và 2022 Lọc hóa dầu Bình Sơn đều kinh doanh có lãi.
Kiểm toán nêu vấn đề nhấn mạnh về vụ kiện nợ quá hạn
Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng chỉ còn điều kiện về nợ quá hạn là đang làm việc với các bên để làm rõ. Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021 và 2022, đều do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện, đều có vấn đề nhấn mạnh về các nội dung sau:
+ Thuyết minh BCTC hợp nhất ghi nhận các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện kiểm tra và phê duyệt quyết toán cổ phần tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
+ Vấn đề nhấn mạnh liên quan đến một khởi kiện. Thuyết minh BCTC hợp nhất cho biết Tòa án nhân dân Thành phố Quảng Ngãi đang làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đưa ra xét xử vụ kiện một số ngân hàng khởi kiện CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (công ty con) liên quan đến các khoản vay thanh toán quá hạn.
Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, điều kiện niêm yết là “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết”, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xem xét hiện trạng nợ phải trả của công ty mẹ hay hợp nhất. Lọc hóa dầu Bình Sơn đang làm việc với các bên liên quan về điều kiện này.
Liên quan đến vụ kiện của Nhà máy nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung, trong năm 2021, 3 ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF đã khởi kiện BSR-BF lên TAND TP.Quảng Ngãi. Vụ việc này có liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất (Bio-Ethanol Dung Quất) với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay.
Tại ngày 31/12/2022, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.146,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 khoảng 1.217,7 tỷ đồng).