Lộc Trời (LTG) xuất hiện những khoản phải thu "lạ" hàng trăm tỷ đồng với các cá nhân, và phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 349 tỷ đồng.
Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG ) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 – báo cáo được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernest & Young Việt Nam. Số liệu trên BCTC kiểm toán khiến cổ đông và nhà đầu tư “sốc”.
Bị thổi bay 94% lợi nhuận
Về kết quả kinh doanh, báo cáo kiểm toán có nhiều số liệu bị điều chỉnh khác xa với số liệu công ty tự lập trước đó.
Cụ thể, doanh thu gần như không đổi, đạt 16.088 tỷ đồng - mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay và tăng 37,6% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời, thu từ bán lương thực, lúa gạo đạt 11.232 tỷ đồng, chiếm 68% tổng doanh thu. Mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 4.218 tỷ đồng doanh thu, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp 2.475 tỷ đồng.
>> Giá gạo tăng cao, Lộc Trời (LTG) lập kỷ lục doanh thu trong năm 2023 
Khoản tác động lớn nhất đối với số liệu sau kiểm toán là lãi từ công ty liên doanh liên kết. Báo cáo tài chính tự lập ghi nhận khoản lãi 315 tỷ đồng, trong khi kiểm toán “gạt bỏ” chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh giảm từ 718 tỷ đồng (số tự lập), xuống còn 641 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh giảm 77 tỷ đồng sau kiểm toán. Những yếu tố chính trên khiến lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của Lộc Trời còn 16,5 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022 và giảm 94% so với số liệu công ty tự lập.
Kinh doanh bết bát, nhưng Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn  lại nhận thù lao “ngất ngưởng”, gấp 6 lần năm 2022, lên 3,6 tỷ đồng. Trong khi đó toàn bộ các thành viên quản lý chủ chốt và Tổng Giám đốc nhận tổng cộng hơn 5 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ vay, xuất hiện những khoản phải thu “khủng”
BCTC Lộc Trời ghi nhận tổng chi phí tài chính cả năm 2023 lên đến 960 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với con số 492 tỷ đồng trong năm 2022, trong đó riêng chi phí lãi vay đã 582 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ.
Tổng nợ phải trả của Lộc Trời đến hết năm 2023 lên đến 8.400 tỷ đồng, tăng hơn 2.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn 6.227 tỷ đồng (tăng 2.480 tỷ đồng so với đầu kỳ) và nợ vay dài hạn gần 80 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn các khoản vay của Lộc Trời là vay tín chấp tại ngân hàng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tại Lộc Trời tăng đột biến từ 2.310 tỷ đồng lên hơn 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất hiện khoản phải thu ngắn hạn "lạ": hơn 811 tỷ đồng với công ty Cường Nguyên Agri; 455 tỷ đồng với Công ty Bảo vệ thực vật Duy Phát Kiên Giang; và những khoản phải thu hơn nửa nghìn tỷ đồng với các cá nhân. Cụ thể, phải thu của bà Nguyễn Thị Ánh Vân 591 tỷ đồng; phải thu của ông Hồ Văn Tuấn 561 tỷ đồng…
Với hơn 6.500 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ khách hàng, Lộc Trời phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 349 tỷ đồng (tăng 117 tỷ đồng so với cùng kỳ).
Tổng giá trị hàng tồn kho hơn 2.000 tỷ đồng, công ty cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến 48 tỷ đồng.
>> Lộc Trời (LTG) báo lỗ kỷ lục 327 tỷ trong quý 3, vay nợ thêm 3.700 tỷ