Logistics xanh: Xu hướng tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu
Trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng xanh, sạch và bền vững, logistics xanh không chỉ là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh thương hiệu để hướng tới phát triển bền vững.
Ngày 18/7 tại TP. Cần Thơ, Sở Công Thương Cần Thơ và Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) đã tổ chức Hội thảo "Logistics xanh - nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đồng Bằng Sông Cửu Long".
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu gồm các chuyên gia, diễn giả cùng doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, logistics tham dự để cùng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra các giải pháp phát triển ngành logistics theo hướng xanh, bền vững.
Theo nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA (2021), có đến 37% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do vận chuyển - một trong các hoạt động logistics cơ bản nhất, gây ra. Dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng gấp 3 đến năm 2050 tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi.
Ngành logistics với mức tăng trưởng bình quân khoảng 14-16%/năm buộc phải xanh hóa khi yêu cầu phát triển bền vững từ các đối tác, nhà mua hàng và người tiêu dùng quốc tế mỗi ngày đặt ra cao hơn. Các công ty trong ngành phải tìm mọi cách để giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon nếu không muốn bị mất đơn hàng. Hiện nay nhiều tập đoàn logistics  lớn của thế giới đã đi trước thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia cam kết.
Tại Hội thảo, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ chia sẻ: "Logistics xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Logistics xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động vận tải và kho bãi mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, với các doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL, theo số liệu thống kê, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 16,8%, đóng góp 5-6% GDP thì nhận thức đúng vai trò của logistics xanh sẽ có ý nghĩa rất lớn tới quá trình nâng cao năng lực cho hàng hóa xuất khẩu".
Ông Sơn cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL là 68 tỷ USD, trong đó Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo. Sắp tới Cần Thơ sẽ mở rộng sân bay hiện hữu thành sân bay quốc tế lớn với 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ những cơ hội đó, các giải pháp về logistics xanh sẽ góp phần tận dụng tối đa hiệu quả để phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc VietJet chia sẻ: "Logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau và tạo tiền đề cho nhau phát triển. Mọi nỗ lực của logistics xanh giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, đồng thời tạo ra cơ hội mới và giúp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hình thành một môi trường kinh doanh tích cực, thúc đẩy phát triển bền vững tại doanh nghiệp".
Do đó, ông Quang cho rằng, để thực hiện được mục tiêu logistics xanh, chúng ta cần tập trung quản lý chuỗi cung ứng xanh và gắn liền với quản trị các mắt xích của nó. Trước tiên, cần tập trung vào vận tải xanh (sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như xe điện sử dụng năng lượng sạch, vận tải đường thủy); bao bì xanh (sử dụng các bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng, bao bì dùng vật liệu có thể phân hủy và phân hủy sinh học…
Tiếp đến, về kho bãi xanh (kho bãi sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả, thiết kế công trình bền vững) hay quản lý dữ liệu logistics xanh (ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu hiệu quả, nâng cao hiệu quả logistics, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận) và sau cùng là logistics ngược (tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu; tái sản xuất và tân trang)…
Khi các mắt xích đó đều "xanh" thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Quang nhấn mạnh: "Bên cạnh các chính sách vĩ mô về cơ chế và kinh tế của Chính phủ, việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của những người làm logistics và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, lợi ích và ý nghĩa của logistics xanh tới sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội như thế nào. Cần có nhận thức đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các doanh nghiệp và chủ hàng… để những giải pháp logistics đều hướng tới mục tiêu logistics xanh, phát triển bền vững".
>> Lĩnh vực kho hàng và logistics Việt chuyển đổi số nhanh nhờ TMĐT 
Đón 'sóng' logistics, một doanh nghiệp cảng biển báo lãi 6 tháng tăng trưởng 26% 
Đầu tư 100 triệu USD cho logistics, một doanh nghiệp hướng tới doanh thu 1 tỷ USD