Lợi nhuận Gelex (GEX) dự kiến thu về sau khi chuyển nhượng các nhà máy điện cho Sembcorp?
Tập đoàn Gelex (GEX) chuyển nhượng các nhà máy năng lượng tái tạo nhưng không bỏ mảng này. Doanh nghiệp đã lập tức thêm các dự án mới có công suất 3.500 - 3.900MW vào "giỏ hàng".
Ngày 19/6, Sembcorp Industries Ltd (Singapore) thông báo rằng công ty con do họ sở hữu 100% vốn là Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd đã hoàn tất mua lại phần lớn cổ phần tại 3 trong số 4 công ty con của Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX ). Sau giao dịch, Sembcorp bổ sung 196MW công suất điện mặt trời và điện gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư của mình.
Là một phần của Thương vụ mua lại, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần một công ty con của Gelex, công ty này sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49MW. Thương vụ dự kiến hoàn thành vào nửa cuối năm 2024.
Sau khi hoàn tất toàn bộ, tổng công suất năng lượng tái tạo của của Sembcorp tại Việt Nam là 455MW và cả Tập đoàn là 14,4GW.
Thông báo này tiếp nối văn bản ngày 10/11/2023, Sembcorp cho biết đã đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần trong danh mục điện tái tạo 245MW của GEX với giá trị vốn chủ sở hữu tối đa khoảng 218 triệu SGD (khoảng 3.800 tỷ đồng theo tỷ giá cùng thời điểm).
Nguồn: Chứng khoán Vietcap |
Danh mục năng lượng tái tạo của GEX bao gồm: 73% cổ phần Thủy điện Sông Bung 4A (49MW); 80% cổ phần Gelex Ninh Thuận (68MWp); 100% cổ phần Điện gió Gelex Quảng Trị (88 MW) và Điện gió Hướng Phùng 2&3 (50 MW). Như vậy, công ty thủy điện mà Sembcorp nhắc đến phía trên có thể là Thủy điện Sông Bung 4A.
Chứng khoán Vietcap ước tính lợi nhuận thoái vốn trước thuế của GEX là 950 tỷ đồng; tổng tiền mặt và tiền mặt ròng của công ty mẹ thu về đạt 3.509 tỷ đồng trước thuế và 3.319 tỷ đồng sau khi nộp 190 tỷ đồng thuế cho khoản lãi thoái vốn.
Gelex có bỏ mảng năng lượng tái tạo?
Trong thông báo hồi tháng 10/2023, Sembcorp bày tỏ ý định tiếp tục tìm kiếm các cơ hội về năng lượng tái tạo tại Việt Nam với Gelex và phía Gelex cho biết sẽ sử dụng số tiền thu được để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn hơn, bao gồm trang trại gió gần bờ công suất 800MW ở miền Nam.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Gelex cũng cho hay, việc thoái vốn nằm trong chiến lược của Tập đoàn, không phải thoái hoàn toàn khỏi mảng này mà thoái một phần danh mục (các dự án đang vận hành) để chọn các đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ, khả năng triển khai các dự án lớn. Hiện danh mục nghiên cứu đầu tư của Gelex có khoảng 3.500 - 3.900MW năng lượng tái tạo.
>> Tiến độ thương vụ mua lại của Sembcorp với GELEX như thế nào?