Lợi nhuận Sabeco về đáy Covid-19 do chịu 'cú đấm kép' thuế và Nghị định 168: Khoản đầu tư của người tỷ phú Thái lỗ gần 62.000 tỷ đồng
Lợi nhuận quý I/2025 của Sabeco rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Covid-19, chỉ đạt 800 tỷ đồng. Doanh nghiệp chịu sức ép từ thuế tiêu thụ đặc biệt, Nghị định 168 và thương vụ sáp nhập Bia Bến Tây.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - HoSE: SAB ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu bán hàng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính giảm 13%, còn 243 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gần 10 lần, lên 91 tỷ đồng.
Sabeco báo lãi sau thuế 800 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ quý III/2021 (thời điểm dịch Covid-19), giảm 22% so với cùng kỳ quý I/2024.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Lý giải về hoạt động kinh doanh "kém sắc", Sabeco cho rằng doanh thu thuần thấp hơn cùng kỳ là do sự sụt giảm sản lượng bởi cạnh tranh gia tăng và tác động của Nghị định 168. Ngoài ra, doanh thu còn bị ảnh hưởng bởi việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bến Tây kể từ ngày 3/1/2025, khi được hợp nhất như một công ty con thay vì là công ty liên kết như trong năm 2024. Kết quả kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng, phát sinh từ thương vụ mua lại Tập đoàn Bia Bến Tây, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, mặc dù được bù đắp một phần bởi lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết cao hơn và chi phí bán hàng giảm.
Năm 2025, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) đạt 44.819 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.835 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp mới hoàn thành 17% kế hoạch lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của Sabeco là 31.619 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn "khủng", lên đến 20.262 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả là 6.013 tỷ đồng, phần còn lại là vốn chủ sở hữu. Sabeco có nợ vay thấp so với quy mô vốn, chỉ ở mức 651 tỷ đồng. Có thể nói, doanh nghiệp đang "ngồi trên núi tiền".
Cổ phiếu SAB dò đáy, tài sản tỷ phú người Thái bốc hơi gần 62.000 tỷ đồng
![]() |
Ảnh minh họa |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAB liên tục sụt giảm. Sau thông tin về thuế của Mỹ, SAB từng có thời điểm giảm về mức 41.500 đồng/cp – mức thấp nhất trong lịch sử. Kết phiên sáng 29/4, SAB đã hồi phục lên vùng giá 48.950 đồng/cp – tương đương với đáy Covid-19 vào tháng 3/2020. Vốn hóa doanh nghiệp hiện còn 65.667 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage – thuộc Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB (tương ứng 53,59% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm được đưa ra bởi cổ đông Nhà nước. Số tiền chi ra tại thời điểm đó lên tới 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,8 tỷ USD). Đây là một trong những thương vụ "sang tay" lớn nhất trong lịch sử thị trường Việt Nam.
Hiện tại, 53,59% vốn Sabeco chỉ còn giá trị khoảng 35.190 tỷ đồng, tương đương 1/3 so với thời điểm mua vào. Ngoài ra, kể từ thời điểm thâu tóm, Thai Beverage đã nhận về khoảng 13.000 tỷ đồng cổ tức. Như vậy, tỷ phú người Thái hiện vẫn tạm chịu khoản thua lỗ gần 62.000 tỷ đồng.
>> Sabeco trả lời gì khi cổ đông hỏi: “Thuế tăng thì giá bia có tăng không?”
[LIVE] Thị trường 29/4: Giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ
VinFast bàn giao 36.330 ô tô điện trên toàn cầu trong quý I/2025, tăng trưởng 296%