Gần đây, những cú đặt cược của nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước Mỹ General Motors (GM) đều không mang lại kết quả như mong muốn.
Hôm qua, GM  thông báo kế hoạch chi 10 tỷ USD mua cổ phiếu quỹ trong năm tới - mức lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là con số khá lớn nếu so sánh với giá trị vốn hóa hiện chỉ đạt hơn 40 tỷ USD của GM.
Tuy nhiên, quý vừa qua kết quả kinh doanh của GM rất khả quan với mức lợi nhuận vượt dự báo, giúp hãng có đủ tiềm lực tài chính để chi đậm. Và, theo chia sẻ của CEO Mary Barra, nguồn tiền cho kế hoạch này sẽ đến từ việc giảm bớt lượng vốn được dự định để đầu tư cho mảng xe điện và xe tự hành.
GM cũng sẽ tái tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi là xe xăng. Đáng nói hơn, nữ CEO từng coi những công nghệ mới này là chiến lược quan trọng để hãng xe hơn 100 năm tuổi có thể đổi mới và tạo ra cỗ máy tăng trưởng mới.
Bên trong một nhà máy của GM. Ảnh: AP. |
Đổ tiền vào xe điện
Chứng kiến cơn sốt xe điện bùng lên từ sự thành công của Tesla và nhiều hãng xe Trung Quốc, GM cũng đã đổ hàng tỷ USD vào mảng xe điện. Năm 2021, hãng đưa ra mục tiêu nâng doanh từ “phần mềm và các mảng kinh doanh mới” lên tới 80 tỷ USD vào năm 2030, tức trung bình mảng này sẽ phải tăng trưởng 50% mỗi năm.
Cách đây 1 năm rưỡi, GM hợp tác với Honda cùng khởi động dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm phát triển xe điện giá rẻ. 2 bên kỳ vọng sẽ sản xuất hàng triệu chiếc xe điện mỗi năm, sử dụng pin Ultium do GM sản xuất. GM khẳng định công nghệ pin này chính là xương sống sẽ quyết định tương lai của hãng trên thị trường xe điện vì sẽ giúp giảm chi phí.
Trong lĩnh vực xe tự hành, GM chi tiền tỷ để sở hữu 80% cổ phần tại Cruise, một startup chuyên về thử nghiệm và phát triển công nghệ tự lái ra đời năm 2013. Cruise và GM đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ cho ra thị trường khoảng 1 triệu chiếc xe tự lái nhằm cạnh tranh trực tiếp với ông lớn Tesla.
Hình ảnh xe taxi tự hành Cruise ở San Francisco. Ảnh: Bloomberg. |
Kỳ vọng trở thành "ác mộng"
Tuy nhiên, những hào hứng ban đầu đang dần trở thành “ác mộng” với vô số trở ngại. Quý vừa qua chứng kiến doanh số ảm đạm vì lực cầu không như kỳ vọng, bên cạnh những cuộc đình công  của liên đoàn khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn và đẩy tăng chi phí.
Tháng trước, GM và Honda tuyên bố hủy bỏ dự án hợp tác  làm xe điện giá rẻ. Lý do mà hãng đưa ra là thị trường còn bất ổn và cần phải đảm bảo rằng những mẫu xe mới có lãi. Dự án xe tự lái Cruise cũng bị rút giấy phép vận hành sau một vụ tai nạn. Ngân sách dành cho các dự án đầy tham vọng đã bị cắt giảm đáng kể.
CEO Barra thừa nhận nhu cầu xe điện thấp hơn so với dự kiến nhưng vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tăng tốc trở lại trong năm sau khi các mẫu xe mới ra mắt và mạng lưới sạc được cải thiện.
Trong khi đó, CFO Paul Jacobson cho biết hồi sinh Bolt EV - thương hiệu mà nhiều người cho là sẽ "nghỉ hưu" sau khi bị triệu hồi một loạt - sẽ giúp tiết kiệm chi phí 5 tỷ USD so với triển khai một chương trình mới.
Thách thức ở mảng xe điện đã khiến giá cổ phiếu GM giảm 14% giá trị từ đầu năm đến nay, xuống ngưỡng thấp nhất trong 3 năm qua. Tuy nhiên tuyên bố trả cổ tức phiên 29/11 đã làm giá cổ phiếu tăng 10%.
Đây là diễn biến đáng chú ý bởi lâu nay tin tức lợi nhuận cao thường không khiến cổ phiếu GM dịch chuyển. Trước khi hãng thông báo kế hoạch chi 10 tỷ USD, hệ số P/E chỉ ở mức 4 lần - ngang với thời điểm tháng 3/2020 khi cả thị trường đỏ lửa vì đại dịch. Rõ ràng kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ là một yếu tố buộc phố Wall phải chú ý nhiều hơn đến lợi nhuận của hãng.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ sự thật là phương hướng phát triển của GM đang gặp rắc rối. Điều GM cần làm là vừa đảm bảo chiến lược tập trung vào xe điện vẫn đi đúng hướng, vừa tạo ra lợi nhuận ổn định. Chỉ đến khi GM có thể làm được điều đó một cách dễ dàng, lời xin lỗi đắt đỏ của CEO Barra mới có giá trị. Nếu không, đó chỉ là một cú thổi giá cổ phiếu rẻ tiền.