Lừa đảo hoành hành, cẩn trọng khi đặt phòng du lịch qua ứng dụng, mạng xã hội
Các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này lập các fanpage, website… giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều khách sạn, homestay, resort… đã phải lên tiếng cảnh báo bị giả mạo.
Tràn lan fanpage, website giả
Khi công nghệ phát triển, việc trao đổi online trở nên đơn giản, dễ dàng hơn, giúp mọi người thuận tiện hơn. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi ra đời.
Hiện nay, nhu cầu đi du lịch ngày càng cao. Nhiều người bận rộn, không có thời gian tìm hiểu nên thường đặt vé máy bay, đặt phòng qua mạng xã hội. Các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này lập các fanpage, website… giả mạo để lừa đảo , chiếm đoạt tài sản. Nhiều khách sạn, homestay, resort… đã phải lên tiếng cảnh báo bị giả mạo.
Công an thành phố Đà Nẵng đã đăng tải bài viết cảnh báo tình trạng này. Theo đó, một số khách sạn, resort trên địa bàn thành phố xảy ra trường hợp du khách đặt phòng, thanh toán tiền cọc 30-50% nhưng đến khi nhận phòng lại phát hiện bị lừa vì nhân viên thông báo không có khách hàng đặt tên như đã trình bày.
Các đối tượng này đánh vào tâm lý "ham rẻ" của du khách nên thường đăng tải các bài cho thuê phòng giá rẻ  rồi chạy quảng cáo nhằm tìm kiếm "con mồi". Khi trao đổi, tư vấn cho du khách, đối tượng lừa đảo rất nhiệt tình, các dịch vụ được đưa ra giá rất hợp lý. Đặc biệt, để chiếm được lòng tin của khách hàng, các đối tượng còn gửi kèm hình ảnh đẹp, thậm chí còn có cả nhận xét của khách hàng trước để gia tăng độ uy tín. Khi đã "gài bẫy" được "con mồi", các đối tượng lừa đảo yêu cầu khách đặt cọc vì lý do khách sạn  quá tải, cọc tiền để "ghim phòng"...
Đáng chú ý, những đối tượng này đều yêu cầu khách hàng chuyển khoản qua tài khoản công ty. Chúng thực hiện một chiêu thức là khi khách hàng chuyển khoản lần 1 sẽ được phản hồi rằng ghi sai nội dung, nên phòng chưa được đặt, rồi dụ khách chuyển khoản lại để hoàn tiền lần 1 do ghi sai nội dung chuyển khoản. Nếu khách hàng không làm theo, thì chỉ mất tiền lần đầu chuyển khoản. Còn nếu làm theo, chúng sẽ thêm nhóm Zalo, rồi gọi video lấy hình ảnh sinh trắc học. Từ đó, số tiền chuyển khoản lần sau gấp nhiều lần lần trước.
Các cơ sở kinh doanh du lịch chật vật, khó khăn cảnh báo khách hàng
Khách sạn Havana Nha Trang đã gửi đơn lên cơ quan chức năng về việc 12 fanpage giả mạo khách sạn này và đã được hỗ trợ gỡ bỏ 8 trang. Đại diện khách sạn cho hay tình trạng lừa đảo khi đặt phòng qua mạng xã hội vẫn còn tồn tại. Mới đây, một khách hàng đã bị mất 20 triệu đồng tiền cọc do bị lừa đảo.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị đang phối hợp với Công an tỉnh để tiếp nhận các phản ánh của khách sạn về các website, fanpage mạo danh. Những trường hợp phản ánh đều đã được gỡ bỏ, bao gồm cả 4 fanpage mới xuất hiện giả mạo khách sạn Havana Nha Trang.
Noọng ơi - một homestay ở Mộc Châu cũng đăng tải bài viết cảnh báo bị giả mạo. Theo đó, đại diện homestay lưu ý khách hàng nên kiểm tra kỹ, check uy tín trên các hội nhóm review du lịch hoặc gọi video cho lễ tân homestay tham khảo trước khi chuyển cọc…
Minawa Kênh Gà Resort ở Ninh Bình cũng lưu ý khách hàng nên kiểm tra thông tin minh bạch, chính xác trước khi giao dịch.
Nhiều chuyên gia du lịch nhấn mạnh người dân cần đặc biệt cảnh giác với các bài đăng quảng cáo từ những tài khoản không rõ danh tính, đặc biệt là những tour du lịch có giá siêu rẻ so với thị trường. Người tiêu dùng nên xác minh thông tin từ các nguồn chính thống và tránh tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng.
Đặc biệt, du khách không nên cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Đồng thời, mọi người cần đề phòng khi có yêu cầu truy cập vào các đường link lạ, không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ.
Cục An toàn Thông tin khuyến cáo, trong trường hợp nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.