Xã hội

'Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề'

Thanh Hùng 20/11/2024 - 12:26

Nhân dịp 20/11, VietNamNet có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - một trong những nữ hiệu trưởng trường tư đầu tiên của cả nước.

- Thưa bà, nhiều giáo viên bỏ nghề vì thu nhập, áp lực công việc. Phải chăng nhà giáo đang đối mặt với quá nhiều thách thức?

Giáo viên hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức từ đổi mới chương trình, yêu cầu công việc... cho đến sức ép từ phụ huynh, trong khi mức lương có thể nói chưa tương xứng. Chương trình GDPT mới đòi hỏi người giáo viên phải thay đổi từ cách dạy đến cách đánh giá, khó tránh khỏi áp lực trong việc thích ứng và đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Yêu cầu công việc với giáo viên cũng ngày càng cao. Ngoài đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên phải làm nhiều công việc hành chính, tham gia hoạt động ngoại khóa... Việc này đòi hỏi thêm thời gian và nỗ lực.

z6007517324099_5536ffa2dfef01f88ff23d61411277ef.jpg
NGND Nguyễn Thị Hiền - một trong những nữ hiệu trưởng trường tư thục đầu tiên của cả nước.

Thầy cô cũng chịu áp lực từ phụ huynh. Các bố mẹ ngày càng kỳ vọng cao vào chất lượng giáo dục và thường yêu cầu giáo viên giúp con mình đạt kết quả tốt. Giáo viên cũng phải cân đối giữa việc đáp ứng yêu cầu của phụ huynh và duy trì môi trường học lành mạnh, phù hợp cho tất cả học sinh.

Trong khi đó, số lượng học sinh/lớp ngày càng đông. Nhiều trường học ở Hà Nội có sĩ số đến 50-60 em/lớp, khiến giáo viên phải làm việc quá tải để quản lý lớp học và hỗ trợ từng học sinh.

Áp lực công việc kéo dài nhưng không phải trường nào cũng có hệ thống hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, dẫn đến tình trạng stress, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Mặt khác, mức lương và các chế độ đãi ngộ chưa đủ để giáo viên cảm thấy an tâm với công việc, đặc biệt ở những thành phố lớn với mức chi tiêu đắt đỏ. Điều này có thể làm giảm động lực và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, hoặc đẩy họ phải tìm cách dạy thêm trái quy định.

- Theo bà, giáo viên cần làm gì để vượt qua áp lực và giữ tình yêu với nghề?

Để vượt qua vô vàn áp lực, thử thách, tôi cho rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên đều quan trọng. Trước những khó khăn hay sóng gió, tôi thường nhớ lại lý do mình bắt đầu nghề giáo và tìm kiếm niềm vui từ các hoạt động dạy học hàng ngày. Mỗi thành công nhỏ của học sinh là nguồn động lực để thầy cô tiếp tục phấn đấu và yêu nghề.

Là người đứng đầu một trường học, tôi thường động viên giáo viên nếu gặp khó khăn trong công việc, cần chủ động trao đổi với ban giám hiệu để tìm cách tháo gỡ. Những ý kiến đóng góp hay đề xuất hỗ trợ từ phía nhà trường có thể giúp cải thiện môi trường làm việc cho thầy cô.

Chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ đồng nghiệp cũng sẽ giúp giáo viên cảm thấy không cô đơn và có thêm giải pháp cho các vấn đề trong lớp học.

- Thời gian qua, không ít nhà giáo vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Công tác đào tạo sinh viên sư phạm cần thay đổi ra sao để bắt kịp xu thế thời đại, thưa bà?

Theo tôi, cần tăng cường đào tạo về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Các khóa học về đạo đức nghề nghiệp nên được đưa vào chương trình giảng dạy, giúp sinh viên sư phạm hiểu sâu về vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng của mình đối với học sinh. Đặc biệt, cần nhấn mạnh đến sự tôn trọng, công bằng và tinh thần trách nhiệm khi làm việc với trẻ.

Sinh viên sư phạm cũng cần được học về tâm lý học giáo dục để hiểu rõ hơn về nhu cầu, đặc điểm tâm lý của học sinh từng độ tuổi, từ đó biết cách ứng xử phù hợp và giảm thiểu hành vi không chuẩn mực.

Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý cảm xúc và trí tuệ cảm xúc (EQ) sẽ giúp giáo viên kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh và ứng xử đúng mực, ngay cả trong các tình huống căng thẳng.

Các trường sư phạm cũng cần tạo môi trường văn hóa tích cực, khuyến khích sinh viên thực hiện các chuẩn mực đạo đức và ứng xử chuyên nghiệp. Sinh viên cần cảm nhận được sự tôn trọng và gương mẫu từ giảng viên, qua đó, định hướng và xây dựng văn hóa giáo dục tích cực.

- Theo bà, làm cách nào để nâng cao vị thế nhà giáo trong thời đại ngày nay?

Đầu tiên cần cải thiện chế độ đãi ngộ và tiền lương. Mức lương phù hợp và chế độ đãi ngộ tốt không chỉ giúp giáo viên có cuộc sống ổn định hơn mà còn thể hiện sự tôn trọng của xã hội đối với công việc của họ. Điều này có thể giúp giáo viên tập trung và cống hiến nhiều hơn cho nghề.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, cơ hội học tập, nghiên cứu, trao đổi quốc tế sẽ giúp giáo viên nâng cao trình độ, bắt kịp xu hướng giáo dục mới, từ đó họ sẽ tự tin và có uy tín hơn trong xã hội.

z6007515547136_c404c6c3ec8646e24f62daab27dff4d3.jpg
Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền cho rằng khi giáo viên duy trì hình ảnh chuyên nghiệp, đạo đức cộng với sự thấu hiểu của xã hội, vị thế của người thầy sẽ được nâng cao.

Chính giáo viên cần duy trì hình ảnh chuyên nghiệp và đạo đức. Việc trở thành một hình mẫu về kiến thức, ứng xử và đạo đức sẽ giúp giáo viên nhận được sự tôn trọng từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Giáo viên có thể tự trau dồi kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cảm xúc và EQ để giữ vững phẩm chất trong mọi tình huống.

Hơn cả, khi xã hội thấu hiểu những cống hiến, khó khăn và công lao của nhà giáo, vị thế của người thầy sẽ được nâng cao.

Đề án khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024 "Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang", do Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM (IDP-VNU) thực hiện, đánh giá mức độ áp lực tài chính (thu nhập từ nghề giáo không trang trải đủ cuộc sống) của giáo viên có mức điểm bình quân khá cao 3,61/5 (5 là rất áp lực).

Trong đó, 44% giáo viên cho biết họ đang chịu áp lực đến rất áp lực; chỉ có 19% giáo viên cho rằng họ đang thoải mái và rất thoải mái, không bị áp lực tài chính.

Ngoài áp lực về tài chính, giáo viên còn gặp áp lực bởi các hoạt động chuyên môn như chuẩn bị bài giảng, họp bộ môn, các công việc hành chính, xã hội khác; áp lực liên quan các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh…

Đáng chú ý, có đến 70,21% giáo viên cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh học sinh. 40,63% giáo viên từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh.

>> Người thầy hiện đại vừa cô đơn vừa quá nhiều áp lực

Lời chúc ngày 20/11 cho mẹ là giáo viên

Không hạ chuẩn, giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/luong-thap-de-khien-giao-vien-giam-dong-luc-voi-nghe-2340253.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Lương thấp dễ khiến giáo viên giảm động lực với nghề'
    POWERED BY ONECMS & INTECH