ĐBQH đề xuất cấm giáo viên nhận tiền của người học dưới mọi hình thức
Theo đại biểu, không nên quy định cấm nhà giáo bắt ép người học phải nộp tiền, bởi có khi không ép họ vẫn nộp bằng những cách “rất khéo, tế nhị”.
Sáng ngày 9/11, Quốc hội  đã tổ chức buổi thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết bản thân ông đồng tình với 6 điểm nhà giáo không được làm vì nhà giáo là nghề nghiệp đặc biệt và 3 điểm không được làm đối với nhà giáo quy định tại Điều 11 Dự thảo luật, theo Báo Lao Động.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cấm nhà giáo nhận tiền của người học dưới mọi hình thức. Ảnh: Quốc hội
Ông cũng đề xuất bổ sung quy định ngăn nhà giáo  trực tiếp tham gia vào một số hoạt động kinh doanh, nhất là các hoạt động có liên quan đến phụ huynh hoặc học sinh. "Có thể những hoạt động kinh doanh đó không xấu nhưng nếu nhà giáo kinh doanh thì sẽ không còn chuẩn mực nữa", đại biểu nêu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, có một số hoạt động kinh doanh rất phổ biến nhưng với nhà giáo thì không phù hợp. Ví dụ như bán bảo hiểm cho cha mẹ người học; bán hàng giải khát (nước ngọt, cà phê) ở cổng trường phục vụ người học; mở quán game cho học sinh chơi…
Theo đại biểu, một số việc phải hạn chế, không để nhà giáo tham gia vào. Những việc cụ thể không được làm không cần quy định trong luật mà để từng địa phương, từng cơ sở giáo dục quy định cho phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
Đại biểu cũng chỉ rõ, quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức là chưa phù hợp, vì thực hiện phương châm không để học sinh lưu ban, nhiều giáo viên có tinh thần trách nhiệm thường phải yêu cầu các học sinh có học lực yếu ở lại cuối giờ để kèm thêm, thậm chí đến nhà để chỉ dạy thêm.
Giáo viên chỉ có động cơ duy nhất là giúp học sinh nắm được kiến thức để theo kịp bạn bè. Những việc làm này không hề có động cơ kiếm tiền, không có gì là xấu. Do đó, đại biểu đề nghị sửa quy định thành "cấm ép buộc người học tham gia học thêm để vụ lợi dưới mọi hình thức".
Về quy định cấm ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định, đại biểu cho rằng đã là thầy thì phải cấm nhận tiền của người học. Cần phải quy định mạnh mẽ hơn là cấm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp tiền, hiện vật ngoài quy định của người học khi đang trong quá trình học tập tại trường.
Đại biểu nhấn mạnh cần phải quy định chặt chẽ như thế để tránh tình trạng không ép buộc trực tiếp nhưng có các hình thức ép buộc trá hình để người học vô tình để quên tiền, hiện vật quý chỗ người dạy. "Còn nếu người ta học xong, ra trường rồi thì khi đó có biếu tiền hay đồ vật quý cũng là tình cảm thật sự, chẳng có ai cấm", đại biểu nói và cho rằng nên cấm mọi hình thức chứ không chỉ ép buộc.
Theo Báo điện tử VOV, cũng góp ý về Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) quan tâm đến việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Theo đại biểu Thái Văn Thành, đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện thiếu. Ảnh: Quốc hội
Theo đại biểu Thái Văn Thành, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, từ tuyển dụng, đánh giá, đến đào tạo nguồn nhân lực.
Đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng cơ quan quản lý giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế cũng có thể chủ động trong điều động, luân chuyển, biệt phái nhân lực, hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.
Thực tế, ông Thành cho biết đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện thiếu, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế.
“Lâu nay chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua Phòng Nội vụ rồi quay ngược lại Phòng Giáo dục, rồi lại quay trở về Phòng Nội vụ, 3-4 vòng làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”, đại biểu Thái Văn Thành nêu bất cập.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. HCM) cũng mong muốn, phải đưa nghề giáo trở lại vị thế là nghề cao quý, thầy cô giáo được xã hội tôn trọng hơn. Về chính sách lương, nữ đại biểu cũng cho rằng, vẫn còn nhiều giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nhà giáo, nhất là giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường.
“Cần có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đồng thời có thêm chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục”, nữ đại biểu kiến nghị.
>> Đại biểu Quốc hội: Thanh thiếu niên 'đi bão', gây tai nạn thì cần xử lý nghiêm 
Đại biểu Quốc hội: Dự án chậm tiến độ 'như một căn bệnh mãn tính' 
Đại biểu Quốc hội: Bệnh viện xây như khách sạn 5 sao, người bệnh gánh viện phí cao