Mắc bẫy 'đầu tư tài chính online', nhóm lừa đảo chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng
Bắt đầu từ số tiền nhỏ vài trăm ngàn 'sinh lời ngay', nhiều người đã nộp vào hàng tỷ đồng và mất trắng.
Ngày 2/1, Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo của 44 người bị các nhóm tội phạm trên Facebook, Zalo, Telegram kết bạn và mời gọi tham gia đầu tư tài chính online, chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng.
>> App đa cấp vừa xuất hiện đã khiến cả nghìn người 'sập bẫy', mất trăm tỷ đồng 
Trong đó, hồi tháng 3/2023, người phụ nữ 42 tuổi ở TP Buôn Ma Thuột, thấy quảng cáo trên Facebook có nội dung "Không ai phá sản với 300.000 đồng nhưng với 300.000 đồng bạn đầu tư, bạn có thể kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày".
Tò mò, bà D. bấm vào xem và để lại thông tin thì có người lạ kết bạn Zalo mời gọi đầu tư. Bà D. làm theo hướng dẫn, nạp thử số tiền 300.000 đồng thì nhận được số tiền 500.000 đồng. Chị tiếp tục được mời tham gia gói đầu tư 100 triệu đồng "sẽ được nhận 4,8 tỷ đồng". Tin lời, bà chuyển tiền, song không thể rút. Cuối cùng khi tổng số tiền bà D. đã nạp lên đến hơn 1,1 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt.
Tương tự, tháng 8/2023, người đàn ông tên T ở huyện Krông Bông cũng nhận được điện thoại giới thiệu mời tham gia quỹ đầu tư để được chia cổ phần lợi nhuận. Ông T. cũng làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt tổng cộng 5,4 tỷ đồng.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua xác nhận khuôn mặt |
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 đến năm 2023, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch đã kết bạn và mời gọi nhiều người tham gia đầu tư tài chính online.
Ban đầu, các bị hại làm theo hướng dẫn, thử đầu tư số tiền ít thì thấy có sinh lời và rút tiền về được. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn thì nhận được thông báo sinh lời số tiền lớn nhưng khi rút tiền thì không thực hiện được. Lúc này, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để được nhận toàn bộ tiền gốc và lợi nhuận về. Tuy nhiên, khi bị hại làm theo thì bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp.
Đến nay, cơ quan công an đã tiếp nhận đơn tố cáo của 44 người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 64 tỉ đồng.
Theo công an Đăk Lăk đánh giá, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, diễn phức tạp với nhiều loại phương thức thông qua mạng xã hội như: vay tiền online; giả nhân viên công ty tài chính; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến vụ án hình sự...
Bên cạnh các thủ đoạn trên, nhóm lừa đảo còn giới thiệu là người nước ngoài, làm quen, tán tỉnh các công dân Việt Nam, hứa hẹn bảo lãnh bị hại định cư ở nước ngoài hoặc đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng hoặc nhờ họ giữ giùm. Đồng thời, chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để làm thủ tục đóng tiền lệ phí, tiền vận chuyển quà rồi chiếm đoạt.
Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng lừa đảo 14 tỷ đồng 
6 thông tin nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần cuối cùng năm 2023