Mạnh tay xử lý kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng.
Theo báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), thời gian qua, lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được triển khai một cách đồng bộ, chặt chẽ, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp .
Hiện nay, trên cả nước có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng tốt từ 10 - 20%/năm, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động tương đối ổn định. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu gia nhập thị trường. Doanh thu của ngành bán hàng đa cấp tiếp tục có xu hướng tăng và tập trung ở một nhóm doanh nghiệp lớn.
(TyGiaMoi.com) - Nhiều hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo
Số lượng người tham gia mới và chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp vẫn có sự biến động lớn, nhất là ở một số doanh nghiệp có số lượng người tham gia đông như Herbalife, Oriflame, New Image, Amway…
Đáng chú ý, tỷ lệ người tham gia có thực hiện hoạt động bán hàng tiếp tục có xu hướng tăng, đồng thời số lượng người chỉ ký hợp đồng để hưởng mức chiết khấu ưu đãi có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp chủ yếu đào tạo cơ bản cho người tham gia bằng phương thức đào tạo trực tuyến (xấp xỉ 98%).
"Song, có dấu hiệu thực hiện đào tạo cơ bản đối phó tại nhiều doanh nghiệp đa cấp. Ngoài ra, vẫn có hiện tượng doanh nghiệp không giám sát chặt chẽ, để người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy tắc hoạt động, vi phạm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động", đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia nhận định.
Với việc các đối tượng hoạt động bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như: hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử… lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.
Siết chặt quản lý, mạnh tay với vi phạm trong kinh doanh đa cấp
Trong thời gian qua, khi phát hiện hoặc tiếp nhận các thông tin về dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an để theo dõi, tiến đến xử lý hình sự theo quy định tại qua Điều 217a Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, bao gồm: Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thông tư số 12/2023/TT-BCT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/TT-BCT ngày 24/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Mạnh tay siết chặt quản lý đối với hoạt động này, năm qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã chuyển thông tin về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời.
Đồng thời, phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.
Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia cũng như nâng cao nhận thức của người dân: Một số sàn thương mại điện tử, các ứng dụng đầu tư trực tuyến...
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp được triển khai tích cực, hiệu quả. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã hoàn thành kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp và 1 người tham gia vi phạm với số tiền phạt 1 tỷ 150 triệu đồng.
Ông Lê Triệu Dũng cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, trong đó tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính.
Đối với các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tiếp tục phát huy các giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp hoạt động biến tướng.
Đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.
Tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp
Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia dự kiến tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương trong năm 2024.
Thời gian tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương ở TP. Hà Nội vào các tháng 3, 9 và 11/2024; tại TP. Đà Nẵng vào tháng 5/2024 và TPHCM là tháng 7/2024.
Hình thức kiểm tra tự luận (thi viết). Trường hợp có nhu cầu kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, các doanh nghiệp nộp hồ sơ về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Cụ thể, đối với hồ sơ đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hang đa cấp gồm: Đơn đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; danh sách người được đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; 2 ảnh kích thước 3x4cm của những người trong Danh sách kể trên; 1 Bản sao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp (Bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản gốc để đối chiếu tại thời điểm nộp hồ sơ).
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký tham gia một trong hai hình thức kiểm tra nêu trên. Thông tin chi tiết về kế hoạch kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp sẽ được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại địa chỉ https://www.vcc.gov.vn.
Hiện cả nước có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu ngành tăng trưởng từ 10 - 20%/năm.
20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp gồm:
1. Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam
2. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam
3. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam
4. Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt
5. Công ty TNHH GCOOP Việt Nam
6. Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam
7. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội
8. Công ty TNHH Best World Việt Nam
9. Công ty TNHH Elken International Việt Nam
10. Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời Việt Nam
11. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam
12. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam
13. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam
14. Công ty TNHH Amway Việt Nam
15. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam
16. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi
17. Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam
18. Công ty TNHH Seacret
19. Công ty TNHH Oriflame Việt Nam
20. Công ty TNHH Perfect Global (Việt Nam)
Bán hàng đa cấp đang ăn nên làm ra, tại Việt Nam còn những doanh nghiệp có phép nào? 
Kinh doanh đa cấp, một giám đốc đã lừa hàng trăm người ký hợp đồng ‘ảo’ 
Bộ Công Thương đề nghị nguời dân cảnh giác DN kinh doanh đa cấp không phép