Mất định hướng khi ra trường, nhiều cử nhân chọn tiếp tục học lên vì... bằng Đại học chưa đủ để xin việc
Thị trường lao động hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến việc nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và các nhân sự trẻ phải “tăng cường” các khóa học ngắn hạn hoặc tiếp tục học lên cao hơn nhằm tăng cơ hội việc làm.
(TyGiaMoi.com) - Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ở mức đáng báo động
Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP. HCM, 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 82.500 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Trong số đó, hơn 27.800 người có trình độ từ Đại học trở lên, chiếm đến 36%. Đây là nhóm lao động có tỷ lệ thất nghiệp  cao thứ hai trong tổng số người nộp đơn tại TP. HCM, cao hơn mức 31,14% của năm 2022.
Con số này phản ánh rõ sự mất cân bằng trong cơ cấu nhân lực hiện nay. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải "giấu bằng" để làm những công việc không liên quan đến ngành học của mình, như chạy xe ôm hay làm các công việc lao động phổ thông. Hiện tượng này cũng được thấy trên các mạng xã hội qua những bài viết và video với nội dung như: "Không biết làm gì, tôi chọn... đi học Thạc sĩ", "Chán công việc hiện tại, tôi tiếp tục học lên", hay "Không có việc làm, tôi làm... Thạc sĩ ".
(TyGiaMoi.com) - Bằng Đại học có quan trọng trong quá trình tuyển dụng nhân sự?
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong mắt các nhà tuyển dụng, bằng Đại học và thành tích học tập không còn là yếu tố quyết định quan trọng nhất khi tuyển nhân sự. Thay vào đó, các kỹ năng mềm của ứng viên như giao tiếp, thuyết phục, làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề mới là những yếu tố được ưu tiên hàng đầu.
Một cán bộ cấp cao của Google cho biết, công ty không còn chú trọng vào trường Đại học hay bằng cấp của ứng viên. Google tìm kiếm những kỹ năng thực chiến và chứng chỉ chuyên sâu chứng minh khả năng giải quyết vấn đề thực tế, cùng với tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Điều này chứng tỏ rằng kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tiễn quan trọng hơn nhiều so với bằng Đại học hay thành tích học tập.
(TyGiaMoi.com) - Doanh nghiệp cần nhân viên “đa công dụng”
Thành Long (22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ rằng, trong quá trình tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, anh nhận thấy các nhà tuyển dụng thường yêu cầu một loạt kỹ năng đa dạng. Một vị trí quản lý dự án không chỉ yêu cầu kỹ năng quản lý và tổ chức công việc mà còn cần kiến thức về phân tích dữ liệu, kỹ năng giao tiếp và khả năng thuyết trình. Vì vậy, ngoài việc tập trung vào các môn học chuyên ngành, Thành Long đã đăng ký thêm khóa học phân tích dữ liệu và MC để nâng cao khả năng của mình và tăng cơ hội tìm việc.
Nguyễn Mai Hương (27 tuổi, chuyên viên truyền thông làm việc tại Hà Nội) cũng chia sẻ: "Tôi nhận thấy rằng trong lĩnh vực truyền thông hiện nay, việc trang bị thêm các kỹ năng như làm video và quản lý dự án là rất quan trọng. Những kỹ năng này giúp tôi thể hiện năng lực và sáng tạo tốt hơn, giao tiếp hiệu quả hơn với các đối tác và khách hàng. Hơn nữa, việc có thêm kỹ năng này có thể dẫn đến cơ hội thăng tiến và mức lương cao hơn".
(TyGiaMoi.com) - Không kiếm được việc thì... tiếp tục đi học
Việc chờ đợi cơ hội việc làm là điều khá phổ biến đối với nhiều tân cử nhân không tìm được việc sau khi ra trường, dẫn đến quyết định học thêm cao học hoặc theo đuổi văn bằng 2. Tuy nhiên, việc này không đơn thuần là nâng cao trình độ hay kỹ năng mà còn là cơ hội tiềm năng từ mạng lưới bạn bè trong lớp học.
Trong các lớp học cao học hoặc văn bằng 2, thường có nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc và đang giữ các vị trí quan trọng tại các công ty, tổ chức. Sự đa dạng này tạo cơ hội cho các tân cử nhân thất nghiệp kết nối và tìm kiếm cơ hội việc làm. Nắm bắt tâm lý "khát việc" của nhiều bạn trẻ, một số người đang làm việc vừa học cũng có thể tận dụng cơ hội này để tuyển dụng nhân sự cho công ty của mình.
Nguyễn Nhật Linh (23 tuổi, tốt nghiệp ngành Kinh doanh thương mại năm 2023) cũng đối mặt với thử thách trong việc tìm kiếm công việc phù hợp. Mặc dù đã có kinh nghiệm ở các vị trí như nhân viên marketing và truyền thông, Linh không cảm thấy bất kỳ công việc nào thực sự đáp ứng được mong muốn của mình. Vì vậy, Linh quyết định học thêm chương trình cao học để mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn.
Linh chia sẻ: "Việc không thể tìm được công việc đúng với kỳ vọng là lý do chính khiến tôi quyết định học cao học. Ban đầu, tôi nghĩ rằng nếu tôi có thể làm nhiều công việc khác nhau thì sẽ không lo thiếu cơ hội. Nhưng thực tế cho thấy, để có lợi thế cạnh tranh, mình cần phải thực sự xuất sắc và có kiến thức sâu rộng".
(TyGiaMoi.com) - Học lên cao vì không dám đối diện thực tế… đi làm
Học lên cao như học cao học hoặc văn bằng 2 có thể là cách để nâng cao trình độ và mở rộng cơ hội nghề nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng xuất phát từ động cơ chân chính. Một số tân cử nhân chọn con đường này không phải để trau dồi kiến thức mà để tránh đối diện với thực tế khó khăn của việc tìm việc làm.
Bà Lâm Thúy, chuyên gia tư vấn của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam  cho biết, trong các lớp học cao học hoặc văn bằng 2, dễ dàng nhận ra những người vừa tốt nghiệp đại học qua tinh thần và cách học của họ. Những người học để thực sự nâng cao kỹ năng và kiến thức thường chủ động, tìm tòi và sáng tạo trong học tập. Ngược lại, những người học chỉ để "trốn tránh" thực tế thường tỏ ra lơ mơ, hời hợt và cảm thấy học bậc này không khác gì học đại học trước đó.
Việc tiếp tục học để tránh thất nghiệp và chờ đợi cơ hội từ trên trời có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Bà Thúy cảnh báo rằng đây là một xu hướng "sợ trưởng thành" và không dám đối diện với thực tế khó khăn. Vấn đề này có thể khiến các tân cử nhân học không có định hướng rõ ràng, học trong tâm trạng miễn cưỡng, và cuối cùng tiêu tốn thời gian, tiền bạc mà không đạt được kết quả mong muốn. Nếu không thay đổi cách học và động cơ, việc có thêm bằng cấp từ việc học lẩn tránh có thể không mang lại giá trị thực sự, chỉ làm tăng thêm vòng luẩn quẩn tương tự như khi mới ra trường.