Máy bay chở khách đâm sầm vào trực thăng quân sự khiến cả hai vỡ tung, toàn bộ hành khách thiệt mạng: Tình tiết đau đớn trong những thảm kịch hàng không kinh hoàng nhất 2025
Năm 2025 chứng kiến những vụ tai nạn hàng không xảy ra liên tiếp trên thế giới, làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn của phương thức dịch chuyển này.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ, trong năm 2025, tính tới thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận hàng trăm thảm kịch ngành hàng không, dẫn tới xu hướng “sợ bay” trong tâm lý người tiêu dùng, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho ngành hàng không toàn cầu. Dưới đây là một số vụ việc tiêu biểu đã xảy ra trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay:
1. Sự cố kinh hoàng trên sông Potomac (Mỹ)
Ngày 29/1, một máy bay chở khách mang tên Bombardier CRJ700 của hãng hàng không American Airlines và trực thăng quân sự UH-60 Black Hawk đã va chạm giữa không trung gần sân bay Reagan National, khiến toàn bộ 67 người trên cả hai phương tiện thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn hàng không dân dụng nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ năm 2001.
Dữ liệu từ cuộc điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy máy đo độ cao vô tuyến trên trực thăng Black Hawk đã bị lỗi khiến phi hành đoàn không nhận ra rằng họ đang bay cao hơn mức cho phép. Ngoài ra, bộ lưu chuyến bay của máy bay Bombardier CRJ700 cũng được xác nhận là đã bị dính nước trước đó.

Trực thăng quân sự Black Hawk của Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Bộ Tư lệnh hệ thống biển Hải quân đã tiến hành trục vớt phần lớn máy bay Black Hawk và các mảnh vỡ khác trên sông. Các nhà điều tra vẫn đang tiếp tục kiểm tra các mảnh vỡ và dữ liệu chuyến bay của cả hai máy bay để tìm ra gốc rễ của vụ va chạm.

Đội cứu hộ thực hiện vớt phần còn lại của chiếc máy bay quân sự. Ảnh: Getty Images.
2. Cháy máy bay tại Busan (Hàn Quốc)
Tại sân bay quốc tế Gimhae, phía Nam Hàn Quốc, vào ngày 28/1, chuyến bay Air Busan 391 đã bốc cháy khi chuẩn bị cất cánh, buộc 176 hành khách và phi hành đoàn phải sơ tán khẩn cấp. Bảy người đã bị thương nhẹ trong vụ việc này.
Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết kết quả điều tra cho thấy vụ cháy xảy ra do lớp cách điện bên trong một cục pin sạc dự phòng bị hỏng. Bộ sạc dự phòng này được tìm thấy trong khoang đựng hành lý nơi đám cháy lan ra, trong tình trạng vỡ nát và cháy xém.

Máy bay bốc cháy gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: AP News.
Theo Chỉ thị của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, pin Lithium-Ion - loại pin được sử dụng trong sạc dự phòng - đều bị cấm trong khoang hàng hóa của máy bay chở khách kể từ năm 2016. Các hãng hàng không thế giới lo ngại rằng loại pin này có thể tạo ra nhiệt độ cực cao và gây cháy nếu bị hư hỏng.

Pin Lithium - Ion được ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử. Ảnh: KATA.
>> Kinh hãi: Cá sấu đứng thẳng, gõ cửa nhà dân
3. Thảm kịch tại Honduras (Mỹ)
Vào đêm thứ Hai ngày 18/3, một chiếc máy bay tư nhân đã rơi ngay ngoài khơi bờ biển Caribe của Honduras, chỉ vài phút sau khi cất cánh từ Đảo Roatan, khiến 12 người thiệt mạng, bao gồm nhạc sĩ kiêm chính trị gia nổi tiếng Aurelio Martinez Suazo.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Honduras, xác máy bay được tìm thấy cách bờ biển hòn đảo khoảng 1 km. Nguyên nhân của vụ tai nạn tới nay chưa được làm rõ. Hãng hàng không vẫn đang điều tra để xác định vấn đề.
Những nỗ lực để tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân được tiến hành ngay sau đó, tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi đã gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Đội trưởng đội cứu hộ Franklin Borjas tại Honduras chia sẻ rằng: “Rất khó để tiếp cận hiện trường vụ tai nạn. Các thợ lặn hầu như không thể nhìn thấy gì cả”.

3 phi công cùng 9 hành khách đã thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh: Reuters.
4. Lật máy bay tại Toronto (Canada)
Ngày 17/2, máy bay mang số hiệu Delta Connection 4819 đã gặp sự cố khi hạ cánh, khiến máy bay lật ngửa trên đường băng. 76 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn đã có mặt trên chuyến bay, trong đó có 21 người bị thương, nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng.
Điều tra viên cấp cao của Ban An toàn Giao thông Ken Webster cho biết, sau cú va chạm ban đầu, các bộ phận của máy bay đã tách ra, thân máy bay nằm lệch về phía bên phải đường băng, úp xuống và quay về hướng khác.

Máy bay của hãng hàng không Delta bị lật tại sân bay Toronto. Ảnh: CNN.
Các hành khách đều bày tỏ sự hoảng hốt trước sự cố bất ngờ này. Peter Carlson - một trong những vị khách trên chuyến bay đã chia sẻ rằng anh ta và những người khác trên máy bay bị treo ngược trên ghế và phải tự thả mình xuống trần cabin trước khi rời khỏi chiếc máy bay bị lật ngược.
Marco Chan - một cựu phi công và là giảng viên cao cấp tại Đại học Buckinghamshire New ở Anh - cho rằng: “Máy bay bị lật là do tốc độ hạ cánh chưa hợp lý, cũng như điều kiện thời tiết bất lợi khiến máy bay lăn và va đập trên đường băng. Tuy nhiên, việc những hành khách còn sống sót quả thật là đáng kinh ngạc”.

Gió mạnh và tuyết dày đặc khiến máy bay gặp khó khăn khi cất cánh. Ảnh: John Nelson.
5. Máy bay bị phá hủy tại Alaska (Mỹ)
Ngày 6/2, chiếc máy bay Cessna 208B Grand Caravan của hãng hàng không Bering Air đã rơi xuống tảng băng trôi bên bờ biển Bering khi đang bay từ Unalakleet đến Nome, cướp đi sinh mạng của cả 10 người trên khoang. Các nhà chức trách cho biết thi thể của tất cả các nạn nhân đã được nhận dạng và trục vớt hai ngày sau đó.
Chín điều tra viên đến từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã được cử đến Alaska để điều tra nguyên nhân vụ việc. Kiểm tra sau tai nạn cho thấy tổng trọng lượng của hàng hóa và hành lý trên máy bay vượt quá trọng lượng tối đa cho phép. Khung máy bay, động cơ và cánh quạt hiện vẫn đang chờ để được kiểm tra chi tiết và kết luận.

Sau vụ tai nạn, máy bay chỉ còn lại đống đổ nát. Ảnh: Reuters.
Dẫu nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra, các chuyên gia vẫn nhận định rằng máy bay là phương tiện di chuyển an toàn nhất hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), tỷ lệ tai nạn hàng không vẫn ở mức cực kỳ thấp so với hàng triệu chuyến bay diễn ra mỗi năm: khoảng 1 vụ tai nạn gây tử vong trên 16 triệu chuyến bay.
Alexandre de Juniac - cựu Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho rằng: “Những sự cố là rất hiếm gặp và chúng tôi luôn học hỏi từ mỗi vụ việc để không lặp lại sai lầm”. Có thể thấy, ngành hàng không luôn cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đào tạo phi hành đoàn một cách nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể.
Không thể phủ nhận rằng, hàng không vẫn là một trong những ngành có quy chuẩn khắt khe và khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất. Những mất mát là hồi chuông cảnh tỉnh, để từ đó, ngành hàng không tiếp tục tiến về phía trước - thận trọng và an toàn hơn.
Loan Loan (Theo: CCN, Reuters, AP, BBC News)
>> Vén màn bí ẩn: Những sự thật rùng rợn về Ai Cập cổ đại