Máy bay huấn luyện đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất: Vận tốc tối đa 300km/h, được đánh giá ‘có 2 điểm vượt T-6C’ của Mỹ
Đây là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra, dùng cho huấn luyện phi công quân sự và có thể áp dụng trong hàng không dân dụng.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024  vừa qua, mẫu máy bay TP-150 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan. Đây là sản phẩm hợp tác giữa công ty Flying Legend Italy và Flying Legend Vietnam, đánh dấu mẫu máy bay huấn luyện  đầu tiên trong lịch sử được sản xuất tại Việt Nam và cũng là mẫu máy bay đầu tiên do một công ty tư nhân ở Việt Nam sản xuất.
TP-150 có chiều dài 10m, sải cánh 7m và trần bay tối đa 7.000m. Với tốc độ cất cánh 100km/h và vận tốc tối đa 300km/h, mẫu máy bay này phù hợp cho các nhiệm vụ huấn luyện cơ bản. Được trang bị động cơ cánh quạt 915iS - 150HP do Mỹ sản xuất, TP-150 không chỉ tiết kiệm nhiên liệu mà còn có khả năng sử dụng các loại nhiên liệu phổ biến như xăng A95, giúp tối ưu hóa chi phí vận hành.
Khoang lái TP-150 được thiết kế với hai chỗ ngồi, tích hợp màn hình điện tử trung tâm hiển thị đầy đủ thông số, cùng hệ thống điều khiển hiện đại. Máy bay sử dụng hệ thống càng có thể thu thả, cho phép cất và hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau, kể cả cỏ, sỏi hay bê tông. Đường băng yêu cầu tối thiểu chỉ 500m.
Toàn bộ phần thân máy bay được chế tạo từ hợp kim nhôm, đảm bảo trọng lượng nhẹ và độ bền cao. Các bộ phận như thân, cánh và càng máy bay đều được sản xuất tại nhà máy Flying Legend Vietnam ở tỉnh Vĩnh Phúc. TP-150 tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft, cùng nhiều tiêu chuẩn quân sự khác, khẳng định chất lượng và độ tin cậy.
Theo Tạp chí Army Recognition (Bỉ), TP-150 là một mẫu máy bay huấn luyện hiệu quả về chi phí, phù hợp với nhu cầu đào tạo phi công của không quân.
Chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Không quân Mỹ Christian D. Orr nhận xét: "Ấn tượng ban đầu của tôi về TP-150 là mẫu máy bay này cho thấy tính linh hoạt tuyệt vời khi có thể hoạt động hiệu quả trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau, như đường bê tông, đường rải nhựa hay có cỏ, sỏi. Như tôi được biết, mẫu T-6C của Mỹ không có mức độ linh hoạt như vậy", ông Orr nói.
Bên cạnh đó, theo ông, TP-150 có lợi thế là khung máy bay mới hơn khoảng 10-12 năm so với T-6C, giúp giảm bớt những lo ngại về sự hao mòn khung máy bay.
"Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mẫu máy bay này vừa có chi phí mua ban đầu tương đối rẻ, vừa có chi phí bảo dưỡng thấp", cựu sĩ quan Mỹ bình luận.
Đặc biệt, TP-150 được lấy cảm hứng từ mẫu Embraer EMB Tucano 312 của Brazil - một máy bay huấn luyện đã chứng minh hiệu quả cao trong thực tế.
Với những tính năng ưu việt, TP-150 được kỳ vọng sẽ trở thành sự bổ sung lý tưởng cho các mẫu máy bay hiện tại của Không quân Việt Nam. Theo ông Orr, TP-150 có thể đảm nhiệm giai đoạn huấn luyện cơ bản, trong khi các mẫu như T-6C phù hợp cho giai đoạn huấn luyện nâng cao.
TP-150 không chỉ là bước đột phá trong ngành hàng không Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sự phát triển công nghệ nội địa, mở ra tương lai mới đầy triển vọng cho ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước.
Tạp chí Army Recognition kết luận, mô hình hợp tác cho ra đời mẫu máy bay này "rất phù hợp với mục tiêu phát triển ngành hàng không và tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam thông qua quan hệ với các đối tác châu Âu nổi tiếng".
>> Hệ thống tên lửa đạn đạo mạnh nhất Đông Nam Á của Việt Nam, tầm bắn tối đa đạt 300km