Xã hội

Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Thái Hà 27/11/2024 - 16:27

Đây là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định xếp hạng đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích Quốc gia đặc biệt. Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt được cấp cho các địa phương gồm TP. Hải Phòng (xuất bến) và các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau (mở bến).

Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - ảnh 1
Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Minh Dư/Báo Lao Động

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" là tên gọi tuyến vận tải quân sự đặc biệt được Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong kháng chiến chống Mỹ. Tuyến đường này được sử dụng để vận chuyển vũ khí, cán bộ và nhu yếu phẩm từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam trong giai đoạn khốc liệt của chiến tranh.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay - mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày toàn thắng lịch sử 30/4/1975), “Đoàn tàu Không số” đã làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng. Tuyến đường này đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục ngàn lượt người đến các chiến trường.

Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - ảnh 2
Tàu “Không số” đầu tiên cập bến Vũng Rô cách đây hơn 60 năm trước. Ảnh tư liệu

Tuyến đường không chỉ là một kỳ tích quân sự mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên cường và tinh thần sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Những Đoàn tàu “Không số” đã mở ra con đường huyền thoại, trở thành thiên anh hùng ca bất tử trong lịch sử kháng chiến của dân tộc.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, đường Hồ Chí Minh trên biển, trong đó bến Vũng Rô là một mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chi viện chiến trường miền Nam. Từ ngày 28/11/1964 đến đầu năm 1965, bến Vũng Rô đã 4 lần đón các Đoàn tàu “Không số” cập bến.

Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - ảnh 3
Bến tàu “Không số” nằm trong vịnh Vũng Rô, nơi tiếp nhận vũ khí chi viện cho miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Trung Nhân

Trong đó, 3 lần đón tàu 41 (tàu vỏ sắt do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng) vào bến thành công, tiếp nhận 200 tấn vũ khí; và 1 lần đón tàu 143 (tàu vỏ sắt do thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách chở 63 tấn hàng) vào bến nhưng chưa kịp rời bến thì bị địch phát hiện, quân ta cho nổ chìm tàu để xóa dấu vết.

Các chuyến hàng từ bến Vũng Rô đã cung cấp vũ khí, thuốc men và nhu yếu phẩm, góp phần giúp quân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk liên tục giành thắng lợi, giải phóng nhiều vùng chiến lược.

Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - ảnh 4
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh trao tặng kỷ vật đường Hồ Chí Minh trên biển cho Bảo tàng Phú Yên. Ảnh: Báo Nhân Dân

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và khát vọng độc lập, tự do. Tuyến đường không chỉ thể hiện nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự mà còn là minh chứng sống động cho sự sáng tạo, đoàn kết và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Việc xếp hạng đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là dịp để thế hệ hôm nay và mai sau tri ân những người đã góp phần làm nên kỳ tích này. Đây là chiến công chói lọi trên mặt trận chi viện chiến lược, một điểm sáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là di sản văn hóa - lịch sử quý giá của dân tộc Việt Nam.

>> Chợ trăm tuổi từng lọt top ‘tốt nhất thế giới’ của Việt Nam chính thức được xếp hạng di tích

Ngôi chùa cổ hơn 700 năm tuổi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Ngôi chùa cổ gần 1.000 năm tuổi tọa lạc trên đỉnh núi, lưu giữ bảo vật quốc gia quý giá, được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tuyen-duong-van-tai-quan-su-huyen-thoai-cua-viet-nam-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-131111.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tuyến đường vận tải quân sự huyền thoại của Việt Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    POWERED BY ONECMS & INTECH