Ngôi chùa cổ rộng khoảng 10.000m2 lưu giữ bốn bảo vật quốc gia tạo tác từ thế kỷ XVII, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, ngôi chùa này còn là nơi lưu giữ bốn bảo vật quốc gia.
Theo Báo Lao Động, chùa Bút Tháp (tên chữ là Ninh Phúc tự) tọa lạc tại xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đặc biệt, chùa Bút Tháp cũng là nơi lưu giữ bốn bảo vật quốc gia  quý giá.
Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XIV với diện tích khoảng 10.000m2. Cũng giống như nhiều ngôi chùa cổ khác ở phía Bắc, chùa Bút Tháp được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng và chặt chẽ ở khu vực trung tâm.
Đến chùa Bút Tháp, du khách sẽ nhìn thấy công trình ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Phía sau gác chuông chính là bảy tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường.
Đặc biệt, bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, chùa Bút Tháp hiện còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia, bao gồm: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020. Đáng chú ý, các bảo vật đều được tạo tác trên chất liệu gỗ từ thế kỷ XVII.
Trong đó, theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa, bức tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được coi là một tác phẩm độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung của Việt Nam thế kỷ XVII.
Nằm cạnh bức tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam Thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà - chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mâu ni - chủ trì hiện tại và Phật Di lặc - chủ trì tương lai.
Đặc biệt, du khách khi đến chùa Bút Tháp đều thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm liên hoa. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa gồm 8 mặt 9 tầng. 8 mặt thể hiện 8 hướng của nhà Phật, 9 tầng thể hiện 9 kiếp tu hành của nhà Phật, tương đương 3 cấp chứng quả là Thượng phẩm vãng sinh, trung phẩm vãng sinh và hạ phẩm vãng sinh.
Ngoài ra, hương án chùa Bút Tháp cũng được biết đến là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, tiêu biểu mẫu mực cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng. Trong ngôi chùa này có ba hương án đều từ thế kỷ XVII, nhưng đáng tiếc, một hương án đã bị phá hủy trong vụ cháy năm 2015.
Vào năm 1962, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2013, ngôi chùa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Bút Tháp luôn được giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo. Đặc biệt, ngôi chùa này vẫn luôn là một trong những trung tâm Phật giáo  có ảnh hưởng lớn tại vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc và là điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái.