Ngôi chùa cổ hơn 700 năm tuổi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Với vị trí địa lý đắc địa và được bao quanh bởi sông nước hữu tình cùng núi non hùng vĩ, ngôi chùa này nhờ đó cũng mang vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và thanh bình.
Chùa Vĩnh Nghiêm, tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, từ lâu đã được biết đến như một “Đại danh lam cổ tự” nổi tiếng khắp cả nước. Ngôi chùa  này từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh cho các tăng sỹ thời Trần. Đặc biệt, nơi đây cũng được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Theo VOV, chùa Vĩnh Nghiêm ban đầu được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1009–1028) với tên gọi Chúc Thánh. Đến thời Vua Trần Nhân Tông (1278–1293), chùa được mở rộng, trùng tu và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm. Vào cuối thế kỷ XIX, chùa nằm trong địa phận thôn Đức La nên người dân trong vùng còn gọi là chùa La hoặc chùa Đức La.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm ở vị trí đắc địa, mặt hướng ra nơi tụ hội của sông Thương và sông Lục Nam, phía sau là núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo và đền Kiếp Bạc. Được bao bọc bởi sông nước hữu tình và núi non hùng vĩ, chùa Vĩnh Nghiêm nhờ đó cũng mang vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và thanh bình.
Với tổng diện tích khoảng 1ha, chùa được xây dựng theo lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa với các mái chùa cong và các tòa nhà có hình dáng đặc trưng. Chùa Vĩnh Nghiêm bao gồm 5 tổ hợp chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị. Mỗi tổ hợp được thiết kế với mục đích và chức năng riêng, phục vụ các nghi lễ tôn giáo cũng như đáp ứng cuộc sống hàng ngày của các phật tử.
Ngôi chùa này cũng lưu giữ kho mộc bản quý giá với 3.050 bản ván khắc, chủ yếu là kinh, sách, luật giới nhà Phật cùng các trước tác của Tam thế tổ và các cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...).
Đặc biệt, các mộc bản tại chùa đều được khắc trên gỗ thị, một loại gỗ quý có đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh và khó nứt vỡ, rất thích hợp để sử dụng làm ván khắc in, đảm bảo độ bền và chất lượng cao cho các mộc bản.
Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với những giá trị tiêu biểu nổi bật, ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Vĩnh Nghiêm.
Trải qua hơn 700 năm tồn tại, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành điểm đến văn hóa  tâm linh linh thiêng của tỉnh Bắc Giang, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.