Ngôi chùa ‘thiên tạo’ nằm sâu trong hang đá tồn tại hơn 20 thế kỷ, là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam
Nét đẹp đặc biệt của chùa đó chính là phong cảnh cực kì hài hòa, thế lưng tựa núi, mặt hướng biển, không khí trong hang lúc nào cũng mát mẻ và dễ chịu.
Việt Nam có nhiều chùa Hang  nổi tiếng như chùa Hang (Thiên Khổng Thạch Tự, tức Chùa đá trời sinh) ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi; chùa Hang (Hải Sơn) tại núi An Bình, Kiên Giang; chùa Hang (Hương Nghiêm) ở Tuyên Quang… hay những chùa trong thạch động kỳ bí như chùa Hương, chùa Trầm, chùa Địch Lộng… Tuy nhiên, chùa Hang (Đồ Sơn, Hải Phòng) lại mang một giá trị lịch sử, tôn giáo đặc biệt, gắn liền với dấu ấn Phật giáo  du nhập vào Việt Nam.
Theo thông tin từ website Ban Tôn giáo Chính phủ, chùa Hang nằm tại khu 1, phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Chùa được sáng lập bởi một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc (có tài liệu cho rằng ông là người Ấn Độ), vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây, chùa Hang là địa điểm đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta, trước khi tới vùng Luy Lâu - Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hiện tại, trước cửa chùa có một bảng chữ lớn giới thiệu về tích này.
Chùa Hang còn được gọi là Cốc Tự, được xây dựng trên núi Vạn Tác. Đúng như tên gọi của chùa, nơi đây vốn được người xưa xây dựng trong một hang đá cao 35m, rộng 7m, chia làm 2 bậc thềm. Lòng hang hình thang, xuyên thẳng sâu vào núi với độ dài khoảng 25m. Phía sâu trong lòng hang chỉ cao 1,2m, rộng 1,3m.
Chùa có vị thế đặc biệt, lưng tựa vào núi vững chắc, mặt hướng ra biển Đồ Sơn, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ. Nhìn từ xa, chùa, tháp và nhà thờ Tổ hòa quyện thành một quần thể kiến trúc độc đáo.
Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Hang vẫn giữ được lối kiến trúc “tiền Phật, hậu Thần” đặc trưng. Ban đầu, chùa nằm sát mép biển, thuận tiện cho ngư dân hành lễ, nhưng hiện nay đã cách biển hơn 100m.
Hiện chùa được xây dựng với kết cấu ba tầng. Tòa Tam Bảo nằm ở tầng hai, tầng trên cùng là Tây Phương điện. Các công trình nhà Tổ và nhà Mẫu được xây dựng bằng vật liệu gỗ, gốm cổ truyền, phục dựng theo nghệ thuật trang trí thời Nguyễn với kiểu bố cục hình chữ "nhất", mặt chính quay hướng Đông. Phía trước chùa, tượng Phật Bà Quan Âm từ bi đứng trên đá núi, bên cạnh là tháp thiêng bảy tầng, tượng trưng cho bảy vị Sư Tổ đã thành chính quả tại chùa Hang.
Chùa Hang Đồ Sơn còn lưu giữ nhiều di vật  quý như bàn thờ đá, tượng A Di Đà và pho tượng Sư Tổ bằng đá xanh tọa thiền trên đài sen.
Ngoài di vật tượng Phật bằng đá, chùa Hang còn tồn tại một giếng nước cổ - tương truyền nhà sư từ Ấn Độ Phật Quang đã dùng nước ngọt từ giếng này. Đây chính là dấu tích còn lại của ngôi chùa cách thời đại ngày nay hơn 20 thế kỷ.
Với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, năm 2010, chùa Hang được UBND TP. Hải Phòng công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố.
Hàng năm, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết Âm lịch, lễ hội chùa Hang được tổ chức long trọng với hai phần: phần Lễ và phần Hội, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân được an lạc, hạnh phúc.
Chùa Hang Đồ Sơn không chỉ là nơi lưu giữ những dấu ấn Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, mà còn là một điểm đến tâm linh đầy giá trị, hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa truyền thống.