Máy bay lao vào đường cao tốc, bốc cháy như 'quả cầu lửa' do phi công đổ nhầm dầu hỏa 'làm mát', thân đứt làm đôi: Tai nạn kinh hoàng cách đây hơn 50 năm
Tai nạn thảm khốc cách đây nhiều năm vẫn là nỗi ám ảnh, là bài học kinh hoàng của ngành hàng không.
Vào cuối những năm 1960, ngành du lịch cùng các dịch vụ liên quan tại Đức phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ bay theo yêu cầu phục vụ các kỳ nghỉ trọn gói do các công ty lữ hành tổ chức. Nhờ đó, các hãng hàng không thuê bao bắt đầu nở rộ, trong đó có Paninternational.
Ra đời vào năm 1968 từ ý tưởng của nhà hóa học trẻ Tassilo Trommer và doanh nhân Jürgen Botzenhardt, Paninternational khởi đầu là một hãng hàng không  thuê bao nhỏ với chiếc BAC 1-11 mới tinh. Sau khi được cấp phép, hãng đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào mùa xuân năm 1969. Tuy nhiên, hoạt động của hãng được cho là không thực sự minh bạch và nhanh chóng làm lu mờ thành công ban đầu này.
Sáng 5/9/1971, trong quá trình bảo dưỡng chiếc Boeing 707, đội kỹ thuật của Paninternational đã không xử lý hết lượng dầu hỏa còn sót lại trong bình chứa. 100 lít dầu hỏa này sau đó được chuyển vào các thùng nhựa không nhãn và để lại tại khu vực bảo dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chiếc BAC 1-11 đã hạ cánh tại Düsseldorf vào ngày hôm sau để kiểm tra định kỳ. Tại đây, phi hành đoàn bảo dưỡng nhận được yêu cầu cấp bách là nạp 300l nước tinh khiết vào máy bay để làm mát, tránh tình trạng quá nhiệt. Và thật tai hại, người phụ trách đã nhầm lẫn giữa thùng dầu hỏa và nước tinh khiết, chất đầy 5 thùng nhựa, trong đó có 2 thùng chứa dầu hỏa lên khoang hàng của máy bay .
Tại Hamburg, phi công của chuyến bay là ông Manfred Rhode đã tiến hành bơm 5 thùng chất lỏng, mà theo như nhãn mác là nước tinh khiết vào hệ thống phun của máy bay. Mặc dù đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, cơ trưởng và phi hành đoàn vẫn không phát hiện ra sự cố nghiêm trọng. Họ không hề hay biết rằng, trong hệ thống phun của máy bay đã lẫn một lượng lớn dầu hỏa.
Thay vì làm mát động cơ, dầu hỏa đã phản ứng dữ dội với nguồn nhiệt, gây ra một loạt tiếng nổ lớn. Khói lửa bùng phát dữ dội từ cả hai động cơ, khiến lực đẩy giảm đột ngột và máy bay mất kiểm soát dù mới chỉ bay ở độ cao 200m. Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc, cơ trưởng chỉ còn một lựa chọn duy nhất là hạ cánh khẩn cấp xuống đường cao tốc A7. Tuy nhiên, việc đáp xuống một con đường cong, đầy chướng ngại vật điện và đông đúc xe cộ là một quyết định vô cùng liều lĩnh và nguy hiểm. Cuối cùng, cơ trưởng của chuyến bay đành phải hạ cánh ngược đường vì lúc này hầu như không có xe cộ qua lại.
Tai nạn diễn ra bất ngờ khiến cánh trái máy bay chạm đất trước, tạo ra một vụ nổ dữ dội. Máy bay dần trở nên mất kiểm soát, nghiêng mạnh sang trái và lao về phía chân cầu. Trước tình hình này, mọi nỗ lực hãm phanh của cơ trưởng đều trở thành vô ích. Cú va chạm kinh hoàng đã xé toạc thân máy bay thành hai phần, phần đuôi xoay tròn và rơi xuống mương.
Vụ tai nạn hàng không kinh hoàng này đã khiến nhiều người thiệt mạng. 22 hành khách trên chuyến bay đã qua đời, trong đó có 18 người tử vong tại hiện trường, 3 người trên đường đến bệnh viện và 1 người mất sau tai nạn một tuần. Mặc dù cả hai phi công đều sống sót nhưng nữ cơ phó lại không may qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khác vào năm 1987.