Microsoft, HP và Dell gấp rút ‘chạy thuế’ linh kiện điện tử tại Trung Quốc
Các ông lớn công nghệ Microsoft, HP và Dell đang tích cực chuẩn bị nguồn cung linh kiện điện tử trước khi Donald Trump quay lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.
Mục tiêu của họ nhằm đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái mà ông đã công khai cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Chuẩn bị cho thuế quan tăng
Microsoft đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị thêm linh kiện cho cơ sở hạ tầng máy chủ đám mây từ tháng 11 đến tháng 12/2024. Những linh kiện này chủ yếu sẽ phục vụ cho việc lắp ráp các sản phẩm như máy chơi game Xbox và máy tính xách tay Surface, với mục đích giảm thiểu tác động của thuế quan dự kiến sẽ tăng mạnh. Microsoft cũng đang khẩn trương yêu cầu các nhà cung cấp tiến hành lắp ráp và sản xuất những sản phẩm này ngoài Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Tương tự, hai đối thủ lớn của Microsoft  là HP và Dell, cũng đang trao đổi với các nhà cung cấp về kế hoạch sản xuất linh kiện bổ sung trong tháng này và tháng sau. Cả hai công ty này đều đang xem xét lại các kế hoạch mua sắm linh kiện cho năm 2025, với mục tiêu giảm dần tỷ lệ sản xuất linh kiện tại Trung Quốc đối với các sản phẩm như máy tính xách tay và máy tính để bàn.
"Chúng tôi đã họp với một số khách hàng ở Mỹ và tất cả đều quan tâm đến khả năng đẩy nhanh kế hoạch sản xuất linh kiện ngoài Trung Quốc", một nhà cung cấp linh kiện cho HP, Apple và Microsoft chia sẻ. Một phần lớn sản lượng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc trong vài tháng tới sẽ được sử dụng để gia tăng sản xuất và lắp ráp các thiết bị tại các quốc gia khác, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi không chịu ảnh hưởng của thuế quan Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời nhằm đối phó với các chính sách thuế quan dự kiến sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Trong một diễn biến đáng chú ý, Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh trong suốt chiến dịch rằng, sẽ áp dụng các biện pháp thuế trừng phạt đối với những quốc gia mà ông cho là đã lợi dụng Mỹ trong các giao dịch thương mại.
Sự chuyển dịch sang Đông Nam Á
Để ứng phó với những biến động trong chuỗi cung ứng, nhiều công ty công nghệ Mỹ đang tăng cường sử dụng kho bãi và trung tâm hậu cần tại các quốc gia ngoài Trung Quốc. Một giám đốc nhà cung cấp cho biết rằng, ít nhất hai công ty đã thiết lập kho hàng tại Thái Lan cho HP trong năm nay, đồng thời đang mở rộng khả năng sản xuất tại đây trong năm tới. HP cũng đang nghiên cứu khả năng tăng cường sản xuất linh kiện tại các quốc gia Đông Nam Á khác.
Các cuộc thảo luận giữa các công ty này với các nhà cung cấp đã trở nên rõ ràng và khẩn trương hơn. Một nguồn tin cho biết, HP đã ấn định thời điểm trong năm tới để kiểm tra các dây chuyền sản xuất tại Đông Nam Á, nhằm đảm bảo các kế hoạch chuyển dịch sản xuất được thực hiện hiệu quả.
Dell, với phần lớn sản xuất ngoài Trung Quốc, tập trung tại Việt Nam, cũng đang khảo sát khả năng mở rộng sản xuất tại các địa điểm khác ở Đông Nam Á nhằm giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng địa chính trị. Một nguồn tin từ công ty cho biết: "Khách hàng muốn có một chiến lược sản xuất đa dạng để đảm bảo khả năng phục hồi tốt hơn trong các tình huống bất ngờ."
Chuẩn bị cho kịch bản “đứt gãy”
Chuỗi cung ứng của ngành công nghệ đang chuẩn bị cho các kịch bản gián đoạn ngay cả trước khi Trump tái đắc cử, đặc biệt là khi Apple đã đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ đầu năm nay. Các nhà sản xuất linh kiện điện tử cho Nvidia và Tesla cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng mở rộng sản xuất tại Mỹ nếu cần thiết.
Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nhận định rằng, chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện đã bước vào một giai đoạn mới, trong đó các nhà cung cấp linh kiện cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc xây dựng năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
"Ngay cả các nhà cung cấp linh kiện, không chỉ các công ty lắp ráp sản phẩm cuối cùng, cũng đang cảm thấy áp lực phải hành động nhanh chóng, chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là sau khi Trump thắng cử", ông Chiu cho biết.
Microsoft, HP và Dell đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ Nikkei Asia về các chiến lược này. Tuy nhiên, HP đã trích dẫn một bài đăng trên blog của Giám đốc chuỗi cung ứng Ernest Nicolas vào tháng 8, trong đó ông nhấn mạnh tầm nhìn của công ty là xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu hiện tại đồng thời sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai.