Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào Tết Nguyên đán
Khoảng 7-8/2 (tức 28-29 tháng Chạp), khả năng đợt không khí lạnh tràn về khiến thời tiết miền Bắc và Bắc Trung Bộ mưa nhỏ rải rác, trời chuyển rét, có nơi rét đậm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 7-8/2, một đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh , miền Bắc chuyển mưa nhỏ rải rác. Từ 8/2, miền Bắc có khả năng chuyển rét, có nơi rét đậm.
Từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, khoảng 8/2 có mưa, mưa rào rải rác; trời chuyển rét.
Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn , miền Bắc trời rét, nhiều nơi xuất hiện rét đậm.
Trước mắt, từ 2-6/2, Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ cao nhất lên tới 26-28 độ. Riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 2-3/2, đêm và sáng sớm có mưa phùn và sương mù rải rác, trời rét.
Cũng thời gian này, từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Các khu vực khác từ Đà Nẵng trở vào duy trì đêm không mưa, ngày nắng, Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Theo bảng dự báo trên, thời tiết thủ đô Hà Nội trong hai ngày 2-3/2 tiếp tục có sương mù, mưa phùn, nhiều mây, nhiệt độ trong ngày dao động từ 19-25 độ.
Từ 4-7/2, Hà Nội duy trì có mây, không mưa, riêng 5/2 có thể có mưa rào, nhiệt độ thấp nhất 17-19 độ, cao nhất 25-27 độ.
Từ ngày 8/2, khi không khí lạnh tràn về, trời có mưa rào và nhiệt độ khu vực giảm mạnh với mức cao nhất từ 27 độ còn 19 độ.
Trong 2 ngày 9-10/2 (tức 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết), Hà Nội không mưa, trời rét đậm với nhiệt độ trong ngày dao động từ 14-17 độ.
Trước đó, các chuyên gia khí tượng cũng nhận định, thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại nhiều như tháng 1 vừa qua.
Miền Bắc đã giảm thấp nhất -3 độ trong tháng 1
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có những phân tích, đánh giá thời tiết, khí hậu nổi bật tháng 1, cũng như nhận định xu thế khí hậu thời kỳ tháng 2/2024.
Theo đó, trong tháng 1 xuất hiện 3 đợt không khí lạnh (KKL) vào các ngày 3, 10 và 22. Trong đó, đợt KKL ngày 22/1 đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Cụ thể, ở Bắc Bộ từ 22-29/1 đã xảy ra rét hại diện rộng; Thanh Hóa và Nghệ An có rét hại từ 23-28/1 với nhiệt độ trung bình ngày tại hầu hết các khu vực phổ biến từ 10-13 độ, thậm chí, vùng núi từ 4-7 độ, vùng núi cao có nơi thấp dưới 0 độ như Mẫu Sơn -3 độ (xuất hiện vào ngày 24/1). Băng giá xảy ra trên các vùng núi cao.
Cơ quan khí tượng cũng cho biết, thời kỳ này, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Bộ và một số nơi ở Tây Nguyên phổ biến cao hơn từ 1-1,5 độ, có nơi cao hơn; các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Riêng nhiệt độ trong 10 ngày cuối tháng 1 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến thấp hơn so với TBNN từ 2,5-3,5 độ, có nơi thấp hơn; Nghệ An đến Quảng Bình cũng thấp hơn từ 1,5-2,5 độ;... Trong khi đó, khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên cao hơn từ 0,5-1 độ; Nam Bộ cao hơn từ 1-1,5 độ so với TBNN cùng thời kỳ, có nơi xảy ra nắng nóng cục bộ.
Không khí lạnh tiếp diễn
Dự báo xu thế khí hậu thời hạn tháng (từ 1-29/2/2024), cơ quan khí tượng cho biết, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc phổ biến vẫn cao hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ.
Cơ quan khí tượng lưu ý, khu vực Trung và Nam Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to trong thời kỳ này.
Cũng thời kỳ này, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, KKL tiếp tục có tác động đến thời tiết nước ta, trong đó, hoạt động mạnh nhất vào giai đoạn 10 ngày giữa tháng 2.
Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong thời kỳ, KKL có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản. Ngoài ra, KKL có thể gây ra băng giá ở một số nơi vùng núi cao phía Bắc.
>> Xu thế thời tiết năm 2024: nắng nóng đến sớm, đề phòng bão diễn biến phức tạp
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Mưa phùn và sương mù liên tiếp, trưa hửng nắng 
Dự báo thời tiết 10 ngày tới: Miền Bắc nắng 1 tuần rồi lại đón không khí lạnh