Miền Bắc Việt Nam có "làng địa ngục" ở độ cao 2.000m: Mờ ảo trong mây, không điện, không nước, sóng điện thoại
Ngôi làng cổ nằm giữa những khu rừng, bao phủ bởi những tầng mây và được miêu tả là "bí ẩn từ trong phim đến đời thực".
Ekip làm phim "Tết ở làng Địa Ngục" đã hé lộ quá trình sản xuất đầy ám ảnh của bộ phim. Theo đó, trong quá trình sản xuất, thử thách khó nhất là chọn một bối cảnh có thể tái hiện lại không khí âm u và rùng rợn của bộ tiểu thuyết gốc.
Ekip đã mất thời gian dài khảo sát, đi qua 14 ngôi làng  để tìm kiếm nơi có thể trở thành Làng Địa Ngục nhưng không thu được kết quả nào. Trong nỗ lực cuối cùng, cả đoàn làm phim đã vô cùng bất ngờ khi ghé thăm làng Sảo Há (Hà Giang ) và mô tả nơi này giống với Làng Địa Ngục  trong sách đến 99%.
Làng Sảo Há hay còn được gọi là Khó Chơ - một ngôi làng được miêu tả là "3 không", không điện, không nước, không sóng điện thoại. Dù không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng và phổ biến, nhưng cũng từng có những du khách ưa khám phá tìm đến đây.
Ngôi làng này nằm ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ huyện Yên Minh, du khách sẽ phải đi hết một con đèo dài gần 17km với những khúc cua "tay áo" và dốc dài len lỏi quanh núi. Đến chân dốc Thẩm Mã còn phải đi thêm 4km nữa mới tới xã Vần Chải, là nơi mà làng Sảo Há toạ lạc.
Theo tiếng H'Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao", cũng chính là địa thế của ngôi làng này. Quả thật, vị trí của ngôi làng này thật dễ khiến cho người ta liên tưởng đến một nơi biệt lập, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Bởi đường đi đến đây quanh co, chênh vênh, nhiều đoạn dốc ngược. Du khách muốn tới làng Sảo Há chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ trên con đường khúc khuỷu, một bên là vực, một bên là những vườn ngô, vườn lanh trồng xen với đá. Và cũng bởi vị trí trên cao nên có những đoạn được như đi lạc vào mây, không một bóng người. Có lẽ đây cũng là lý do mà ngôi làng này còn được ví là "ngôi làng trên mây" hay "làng ẩn trong mây".
Đặc trưng của làng Sảo Há là những hàng rào xếp bằng đá cao khoảng 1,5m. Những viên đá xếp khít nhau, dù không có vật liệu kết dính nhưng vững chắc, qua hàng chục năm không bị đổ, đã phủ đầy rêu xanh.
Trong thôn có 22 hộ dân người Mông đều mang họ Vàng, sống thành một khu. Những nếp nhà trình tường (tường nhà đắp bằng đất), lợp mái âm dương nằm thành cụm, được bao bọc bởi khu rừng cổ thụ nguyên sinh rộng khoảng 500 ha.
Do địa thế hiểm trở, người dân trong làng sống theo phương thức tự cung tự cấp. Xung quanh làng, người dân trồng cây lanh để làm nguyên liệu dệt vải thủ công. Trồng ngô là công việc truyền thống và phổ biến của cư dân sống ở cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và người dân làng Sảo Há nói riêng. Món ăn chính của họ là mèn mén (cơm ngô).
Những người lớn đi làm nương, rẫy ở xa từ sáng và trở về lúc chiều tối. Ban ngày, ngôi làng khá vắng vẻ, chỉ thấy vài đứa trẻ chơi đùa hoặc đang chăn thả gia súc trên đường.
Đến với thôn Khó Chớ, du khách sẽ được nghe kể về một tích xưa liên quan đến Hang Phỉ. Khoảng năm 1957 - 1958, Vàng Vạn Ly là thủ lĩnh nhóm thổ phỉ (những kẻ cướp bóc ở địa phương) có tiếng, chống phá chính quyền. Khi thất bại, Vàng Vạn Ly cùng các con trốn vào một hang núi thuộc địa phận xã Vần Chải. Sau khi Vàng Vạn Ly được vận động ra đầu thú, cuộc sống của người dân nơi đây yên bình trở lại. Hang Phỉ hiện tại được cho là nơi Vàng Vạn Ly ẩn nấp.
Bên cạnh khu rừng cổ thụ nguyên sinh và Hang Phỉ, Sảo Há còn có rừng trúc, nhà cổ, miếu Sảo Há để du khách tham quan. Hiện ở làng chưa có dịch vụ du lịch, một số đoàn khách lựa chọn cắm trại ở rừng trúc, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh giữa thiên nhiên.
Đến Sảo Hà vào mùa xuân có lẽ là lúc đẹp nhất, bởi khi đó những cây đào nở rực rỡ khắp làng. Mùa hạ, mùa thu cũng không kém phần cuốn hút với những đám mây bảng lảng khắp dọc đường đi. Còn mùa đông ở đây thì lạnh và khắc nghiệt hơn hẳn, lại có sương mù bao phù suốt cả ngày.
Một số công ty lữ hành  đã có các chuyến khảo sát, dự định xây dựng tour du lịch trải nghiệm  nối Vần Chải với các xã lân cận. Tuy nhiên, đường giao thông từ trung tâm xã vào thôn rộng chỉ khoảng một mét, vừa đủ để hai xe máy tránh nhau là điểm nghẽn lớn nhất. Do nằm trên cao, việc thường xuyên thiếu nước cũng là một điểm hạn chế với du lịch.