"Mỏ vàng" mới của ngân hàng, quy mô 368 tỷ USD
Quy mô của mỏ vàng này ngày càng mở rộng.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0.
Thống kê cho thấy tài chính khí hậu ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khởi (năm 2020, tài chính khí hậu chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam - hoặc khoảng 0,2% GDP), từ đó cho thấy nhiều cơ hội đối với các tổ chức tín dụng để tìm hiểu và khai thác các sản phẩm tài chính khí hậu trong thời gian tới.
Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân.
Phó thống đốc nhấn mạnh ngành ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, và luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Ngân hàng rộng cửa hút vốn ngoại
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại bên cạnh việc tích cực cho vay với các dự án "xanh" thì quy mô tín dụng xanh ngày càng mở rộng, thông qua việc huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài.
Không chỉ các dòng vốn nội, mà ngay cả các dòng vốn ngoại cũng đang ngày càng quan tâm tới tín dụng xanh, khẳng định đây thực sự là xu hướng mới. Hiện có 21 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn cho các dự án xanh của Việt Nam. Trong 2 năm qua, số tiền giải ngân cũng tăng gấp 6 lần so với các giai đoạn trước.
Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch VPBank  cho biết: Hiện nay, tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD, VPBank cũng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Có thể thấy, gần đây VPBank liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020 đến từ ADB, SMBC, JICA, ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
HDBank  cũng thành công mang về nguồn vốn tín dụng trị giá 700 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hợp tác cùng các tổ chức nước ngoài.
Ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng HD Bank: "Chúng tôi cũng có kí các thoả thuận với các tổ chức tài chính xanh với tổng lượng vốn cam kết hơn 700 triệu USD cho các mục đích: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác nằm trong dịch vụ xanh của Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục mở rộng danh mục dự án, và cũng tiếp tục làm việc với các đối tác khác để có các nguồn tài chính giá rẻ hơn và dài hạn hơn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận hiện thực hoá mục tiêu của mình".
Kinh tế tăng tốc, Việt Nam có đà thăng hạng lên nước thu nhập trung bình cao 
World Bank: Các nước đang phát triển chi hơn 1.400 tỷ USD để trả nợ