"Mối lương duyên” đặc biệt giữa McDonald's và các chính trị gia
Cựu Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Kamala Harris và không ít chính trị gia khác nổi trên thế giới đều có điểm chung ít ai ngờ tới – sợi dây liên kết giữa họ với đồ ăn nhanh của McDonald’s.
Vào tháng này cách đây tròn 50 năm, nhà hàng McDonalds  đầu tiên ở Anh được khai trương tại Woolwich, London, trở thành cơ sở nhượng quyền thứ 3.000 của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng này.
Tham dự lễ khai trương hoành tráng khi đó có Thị trưởng Len Squirrel, chính trị gia người Anh đầu tiên công khai bày tỏ niềm yêu thích với dòng bánh burger Big Mac nổi tiếng. Ít ai ngờ ông Squirrel không phải chính trị gia cuối cùng là “fan cứng” của McDonald’s, cũng như ít ai ngờ nó sẽ trở thành một biểu tượng chính trị đầy sức ảnh hưởng.
Ngày nay, không chỉ ở Anh, McDonald's đã trở thành điểm đến ưa thích của các chính trị gia ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện các nhà hàng của thương hiệu này. Điển hình nhất trong số đó là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris, hai “kỳ phùng địch thủ” trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Nổi tiếng là một người đam mê đồ ăn của McDonald's, cựu Tổng thống Trump ngày 20/10 vừa qua còn đích thân đeo tạp dề, rán khoai tây và phục vụ đồ ăn tại một chi nhánh của hãng ở Pennsylvania. Không chỉ nhằm mục đích thể hiện sự gần gũi và lấy lòng cử tri tại một trong những tiểu bang then chốt nhất trong cuộc bầu cử thống Mỹ, ông Trump còn muốn đáp trả những chỉ trích từ đối thủ của mình rằng ông chưa từng làm các công việc chân tay vất vả.
Ở chiều ngược lại, Phó tổng thống Harris và các đồng minh một mực khẳng định bà từng làm thêm tại một nhà hàng của McDonald's ở thành phố Alameda, bang California (Mỹ) khi còn là sinh viên. Cựu Tổng thống Bill Clinton, người từng vận động tranh cử bên trong một nhà hàng của McDonald’s, tuyên bố trước Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ rằng: “Bà Harris sẽ phá vỡ kỷ lục của tôi với tư cách là tổng thống dành nhiều thời gian nhất tại McDonald’s”.
Phương tiện "lấy lòng cử tri" mới
Nhưng tại sao McDonald's, chứ không phải KFC, Burger King hay bất kỳ chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng nào khác, lại có sức hút đặc biệt trên chính trường thế giới như vậy?
Theo báo Politico, câu trả lời nằm ở tính phổ biến và khả năng kết nối của thương hiệu này. Trung bình, cứ 8 người Mỹ thì có 1 người từng làm việc tại McDonald's, và cứ 13 người Mỹ thì có 1 người ăn tại đây mỗi ngày. Việc gắn liền bản thân với McDonald's giúp các chính trị gia xây dựng hình ảnh "con người của nhân dân" một cách hiệu quả.
“Nó (làm việc tại McDonald’s) có thể được xem như cách nói tắt của: Tôi là người đàn ông/phụ nữ của nhân dân. Không có gì phải xấu hổ, mà hoàn toàn ngược lại: nó cho thấy tôi có thể sẵn sàng làm việc chăm chỉ, và tự đạt được những thành tích cho bản thân. Tôi giống như bao người khác trên đường phố”, Natalie Kirby, cựu giám đốc truyền thông tại McDonald’s chi nhánh Vương quốc Anh, chia sẻ.
Cũng tại xứ sở sương mù, dân biểu Kemi Badenoch - một gương mặt sáng giá cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, luôn chia sẻ về quãng thời gian làm việc tại McDonald's khi còn là học sinh trung học trong các buổi tiếp xúc cử tri. Bà nhấn mạnh vào những trải nghiệm như dọn nhà vệ sinh hay phục vụ khách hàng tại McDonald's, và xem đó như những bài học về sự khiêm tốn và giá trị của những công việc chân chính.
Tuy nhiên, việc sử dụng McDonald's để quảng bá hình ảnh của các chính trị gia có sự khác nhau theo từng quốc gia. Trong khi các chính trị gia Mỹ như ông Trump và bà Harris tập trung vào việc thể hiện "bản sắc Mỹ đích thực", thì những người như bà Badenoch lại nhấn mạnh vào khía cạnh làm việc chăm chỉ và vươn lên trong cuộc sống.
Nhưng dù với hình thức nào, thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu thế giới này vẫn luôn là một phép ẩn dụ cho những cơ hội thăng tiến và khát vọng đổi đời trong xã hội. Đối với nhiều người, đây không chỉ là nơi bán đồ ăn nhanh, mà còn là bước đệm đầu tiên trên con đường sự nghiệp. Điều đó đã được các chính trị gia khai thác để xây dựng mối liên kết với cử tri, đặc biệt là tầng lớp lao động và trung lưu.
"Hình mẫu" truyền thông chính trị mới
Bản thân McDonald’s cũng rất thông minh trong việc duy trì vị thế trung lập về mặt chính trị. Với khẩu hiệu "Không đỏ hay xanh - chúng tôi mang tính vàng" (trong đó màu đỏ ám chỉ đảng Cộng hòa, còn màu xanh là đảng Dân chủ), McDonald's đã khéo léo tránh việc bị đồng nhất với bất kỳ phe phái chính trị nào, đồng thời vẫn duy trì vai trò là một biểu tượng văn hóa quan trọng.
Thậm chí, nhà văn Thomas L. Friedman năm 1996 từng đưa ra cái được gọi là “Lý thuyết Mái vòm Vàng về phòng ngừa xung đột”, trong đó có thông điệp đáng chú ý: “Chưa có 2 quốc gia nào gây chiến với nhau nếu mỗi nước đều có nhà hàng của McDonald’s”.
Ông Friedman cho rằng, khi quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở một quốc gia đến mức có thể duy trì các chuỗi nhà hàng của McDonald’s, thì tầng lớp trung lưu mới ở quốc gia đó sẽ rất hứng thú với việc duy trì nguyên trạng và tránh xung đột.
Sự giao thoa giữa McDonald's và chính trị cho thấy cách các thương hiệu thương mại có thể trở thành công cụ truyền thông chính trị hiệu quả. Từ những chiếc bánh mì kẹp thịt đến những câu chuyện về công việc đầu đời, McDonald's đã góp phần định hình cách các chính trị gia kết nối với cử tri trong thế giới hiện đại.
Khi nhìn về tương lai, có thể thấy mối quan hệ giữa thương hiệu này và chính trường quốc tế sẽ còn tiếp tục phát triển. McDonald's không chỉ là một chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng và chính trị đương đại.