Sống

Moi ruột cây tìm 'vàng', nhiều dân quê nghèo xứ Quảng đổi đời thành đại gia

Nguyễn Nam 03/06/2024 - 07:02

Nghề moi ruột cây tìm “vàng” đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, để nhận biết mạch trầm hương chạy trong thân gỗ.

Hàng chục năm qua, làng nghề trầm hương ở xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được nhiều người biết đến bởi sản phẩm trầm rất đa dạng, phong phú và chất lượng.

Trầm là một bộ phận bị thương của cây dó bầu. Về tự nhiên, khu vực vết thương tạo trầm do thân cây gãy đổ, kiến hay côn trùng đục khoét. Còn ở vùng khai thác trầm, vết thương này thường do tác động vật lý của con người.

W-1.JPG.jpg
Trầm hương được ví như “vàng” nằm ẩn trong thân cây dó bầu

Thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm

Đang tỉ mẩn đục đẽo một thân cây dó bầu, anh Đỗ Phạm Nhất Lĩnh (SN 1987) cho biết, 17 năm trước, anh học nghề từ anh trai rồi mở cơ sở chế tác trầm hương cảnh tại nhà.

Nhờ nghề độc đáo này, vợ chồng anh Lĩnh có kinh tế khấm khá, thu nhập ổn định khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, gấp hàng chục lần so với làm nông nghiệp ở địa phương.

Để cho ra một sản phẩm trầm hương cảnh, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Ảnh: N.Nam

Để có nguồn nguyên liệu, anh lùng sục khắp nơi để tìm mua những vườn trồng cây dó bầu trên 10 năm tuổi. Sau đó khoan lỗ tạo vết thương trên thân cây và cho thuốc tạo trầm hương vào.

“Loại thuốc này được chế biến riêng theo công thức gia truyền và không thể tiết lộ với người ngoài. Khi bôi thuốc kích thích vào, cây dó bầu sẽ phản ứng tạo kháng thể bao quanh vết thương và đó chính là trầm hương”, anh Lĩnh giải thích.

Sau khoảng 2 năm tạo trầm, anh Lĩnh bứng nguyên gốc và thân cây đưa về xưởng để chế tác dần. Tùy vào thế cây, anh phân đoạn trước lúc mài, đục…

Để cho ra một sản phẩm trầm hương cảnh, anh phải thực hiện nhiều công đoạn gồm “bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng sản phẩm”.

Phần gỗ màu trắng rơi ra khi mài, đục sẽ được mang nấu tinh dầu hoặc làm nhang thắp. Còn phần gỗ màu đen là trầm hương thì để nguyên cây hoặc cắt từng miếng nhỏ bán ra thị trường.

W-anh 1 (9).JPG.jpg
Nghề moi ruột cây tìm “vàng” đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, để nhận biết mạch trầm hương chạy trong thân gỗ. Ảnh: N.Nam
W-anh 1 (10).JPG.jpg
Một sản phẩm trầm cảnh được anh Lĩnh chế tác. Ảnh: N.Nam

Theo anh Lĩnh, công đoạn tỉa trầm là khó nhất, vì càng vào sát mạch trầm càng phải nhẹ tay. Với những mạch trầm uốn lượn, phải dùng đục nhẹ nhàng nạo từng lớp gỗ mỏng. Nhiều sản phẩm phức tạp, anh phải đục và gọt tỉa cả tháng trời.

"Lớp trầm khá mỏng, các đường dẫn dầu li ti như mạch máu vậy, đòi hỏi người thợ phải luôn tập trung cao độ mới có thể cho ra miếng trầm nguyên vẹn, không bị hao hụt. Giá mỗi ký trầm tới vài chục triệu đồng, sơ sẩy tí là mất tiền như chơi", anh nói.

Đổi đời nhờ trầm hương

Được cha vợ truyền nghề từ 10 năm trước, đến nay anh Võ Hoàng Sơn (SN 1990) đã trở thành thợ làm trầm cảnh có tiếng trong làng. Từ công nhân có thu nhập bấp bênh, kể từ khi đến với nghề chế tác trầm cảnh, trung bình mỗi tháng vợ chồng anh Sơn “bỏ túi” khoảng 20 – 40 triệu đồng.

“Giá trầm cảnh nhân tạo tùy theo loại, từ 300 nghìn đồng đến vài triệu đồng cho loại nhỏ; còn loại lớn và trầm xuất khẩu, trầm tự nhiên có thể lên đến vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng”, anh Sơn nói.

W-anh 1 (12).JPG.jpg
Anh Sơn đang moi ruột cây dó bầu để tìm “vàng”.

Theo anh Sơn, trước kia trầm hương khá đắt hàng ở nước ngoài, đặc biệt là tại Trung Quốc và châu Âu. Nhưng từ sau dịch Covid-19, sản phẩm xuất khẩu có phần sụt giảm.

Mấy năm gần đây, thị trường trong nước cũng bắt đầu chuộng mặt hàng này. Nhờ tận dụng mạng xã hội để bán hàng, nên đầu ra của các sản phẩm từ trầm khá ổn định.

Nhiều gốc trầm qua bàn tay điêu luyện, tỉ mỉ của thợ lành nghề đã trở thành những sản phẩm đẹp mắt, có giá trị cao

Không chỉ tạo trầm nhân tạo, những người thợ ở làng Tiên Mỹ còn là chuyên gia “săn” trầm tự nhiên. Mỗi khi nghe ở đâu có cây dó bầu lâu năm, họ lập tức tìm đến.

“Không ít người săn trúng cây có nhiều trầm hương tự nhiên đã kiếm được tiền tỷ. Cũng nhờ cái nghề xoi trầm mà không ít người dân ở làng quê nghèo này đã có tiền mua đất, xây nhà đẹp, sắm ô tô, cho con đi du học…”, anh Sơn tiết lộ.

W-anh 1 (11).JPG.jpg
Nghề trầm cảnh đang tạo việc làm thu nhập cao cho nhiều người dân tại xã Tiên Mỹ. Ảnh: N.Nam
W-anh 1 (8).JPG.jpg
Một sản phẩm trầm cảnh tự nhiên có giá khoảng 40 triệu đồng. Ảnh: N.Nam

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Võ Kim Chung - Chủ tịch xã Tiên Mỹ cho biết, nghề chế tác sản phẩm trầm cảnh đang tạo việc làm cho hơn 500 người, chiếm khoảng 1/4 lao động ở địa phương. Nhờ có trầm hương mà nhiều người dân tại đây đã đổi đời, phất lên thành đại gia, góp phần thay đổi diện mạo của làng quê.

>> Căn phòng ‘bí ẩn’ ở đền thờ Tổ 100 tỷ của nghệ sĩ Hoài Linh: Sở hữu toàn đồ 'mạ' trầm hương hàng tỷ đồng

Vùng đất 'trầm hương biển yến' lấy thêm 4 xã, 'xoá sổ' 5 phường để trở thành đô thị hạt nhân

Căn phòng ‘bí ẩn’ ở đền thờ Tổ 100 tỷ của nghệ sĩ Hoài Linh: Sở hữu toàn đồ 'mạ' trầm hương hàng tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/moi-ruot-cay-tim-vang-nhieu-dan-ngheo-doi-doi-thanh-dai-gia-2286737.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Moi ruột cây tìm 'vàng', nhiều dân quê nghèo xứ Quảng đổi đời thành đại gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH