Một doanh nghiệp ngành mía đường lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi 74% sau năm lãi kỷ lục
Doanh nghiệp này còn sắp trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 150%.
Ngày 26/9 vừa qua, CTCP Mía Đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS ) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Đáng chú ý, trong niên độ 2023 – 2024 (năm tài chính của Mía đường Sơn La bắt đầu từ 1/7 đến 30/6 năm sau), kế hoạch doanh thu được đặt ra 1.045,5 tỷ đồng tổng, tương ứng giảm 39% so với cùng kỳ niên độ trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức 136,9 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện trong niên độ 2022 – 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50%.
Trên thực tế, Mía đường Sơn La là một trong số các doanh nghiệp thường xuyên đặt kế hoạch thấp, và cũng thường xuyên công bố vượt xa kế hoạch năm sau mỗi mùa báo cáo tài chính.
Về thị trường chung của ngành mía đường, niên độ 2022-2023 được xem là thời gian khó khăn và thách thức đối với kinh tế thế giới và Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều biến động khó lường. Chiến tranh Nga – Ukraina àm gián đoạn hoạt động giao thương của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Giá cả nhiều loại hàng hóa tăng vọt, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới phải chịu mức lạm phát cao.
Từ tháng 9/2022, chính sách chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước. Bức tranh kinh doanh ngành mía đường niên độ 2022-2023 cho thấy, ngành này đang dần phục hồi với sản lượng tiêu thụ và doanh thu tăng.
Tuy nhiên SLS vẫn thận trọng dự báo niên độ mới sẽ vẫn là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp khi xung đột thế giới căng thẳng dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến nền kinh tế, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, ở địa bàn Sơn La khô hạn, nắng nóng kéo dài làm giảm sản lượng mía đưa vào chế biến.
Về nông nghiệp , công ty tiếp tục đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa của công ty và người trồng mía, áp dụng các biện pháp trồng, thâm canh tiên tiến và các loại giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng mía. Xây dựng mối quan hệ gắn kết, bám sát và lồng ghép các chỉ tiêu kế hoạch của địa phương để phát triển vùng nguyên liệu mía đảm bảo cho công suất ép thường xuyên của nhà máy.
Về chế biến, SLS cho biết sẽ chú trọng công tác bảo dưỡng sửa chữa dây chuyền sản xuất để ổn định công suất chế biến đường đáp ứng chế biến kịp mùa vụ thu hoạch mía và nâng cao chất lượng đường thành phẩm. Tiếp tục xem xét đầu tư các thiết bị mang tính đổi mới công nghệ.
Về tài chính , Công ty sẽ đẩy mạnh công tác tiêu thụ, tăng nhanh vòng quay vốn, quản lý chặt chẽ để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nâng cao năng lực tài chính.
Niên độ 2022-2023, SLS ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhất lịch sử hoạt động. Tính chung cả niên độ 2022-23, doanh thu của Mía đường Sơn La ghi nhận trên 1.716 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 97,5% và 179% so với năm trước. EPS cả năm đạt 53.423 đồng, mức cao nhất trên sàn chứng khoán . Đồng thời, SLS đã xuất sắc vượt hơn 54% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 595% chỉ tiêu lợi nhuận.
Với kết quả kinh doanh đạt kỷ lục, trong cuộc họp ĐHĐCĐ TN 2023, SLS đã quyết định thông qua phương án chi trả cổ tức năm tài chính 2022-2023 ở mức 150% (tương ứng 1 cổ phiếu nhận 15.000 đồng). Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, doanh nghiệp này đã thực hiện chi trả cổ tức với tỷ lệ 100% bằng tiền cho niên độ 2021-2022.
Kỳ vọng lợi nhuận cuối năm sẽ “ngọt hơn mía”
Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nguyên nhân chính là để đảm bảo nhu cầu nội địa của Ấn Độ và lo ngại sản lượng yếu (El Nino gây thiếu mưa).
Giá đường thế giới đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4/2023, một phần do sản lượng của Ấn Độ giảm (giảm 5% so với cùng kỳ) và xuất khẩu giảm (giảm 46% so với cùng kỳ). Việc này có khả năng tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023-2024.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT xem xét kiến nghị nhập 600.000 tấn đường (gấp đôi so với năm ngoái). Điều này cho thấy các công ty sản xuất đường có thể được hưởng lợi.
Doanh nhân Đặng Văn Thành: 45 năm ‘chinh chiến’, hệ sinh thái TTC Group có được những gì? 
Sau rời ghế chủ tịch, 'nữ hoàng mía đường' quay lại TTC Agris làm gì?